Pháp sẽ bị phạt nặng nếu hủy bán tàu đổ bộ cho Nga

13:45, 21/03/2014

Liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, nhiều khả năng Pháp sẽ hủy hợp đồng bán tàu đổ bộ lớp Mistral cho Nga. Nếu điều này xảy ra, Pháp sẽ bị phạt nặng vì đơn phương phá vỡ hợp đồng.

Hợp đồng bán tàu chiến trên được hai bên ký kết năm 2011, theo đó Nga đặt mua 4 chiếc tàu chiến lớp Mistral với tổng giá trị 1,6 tỷ USD. Trong số này sẽ có hai chiếc đầu tiên được đóng tại nhà máy đóng tàu STX ở Saint-Nazaire (Pháp) và 2 chiếc còn lại tại thành phố Saint Peterburg theo giấy phép của Pháp. Chiếc Mistral đầu tiên mang tên Vladivostok sẽ được chuyển giao cho Hải quân Nga vào cuối năm nay, còn chiếc thứ hai là Sevastopol vào năm 2015. Tất cả các tàu này đều được trang bị cho Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.

Tên đầy đủ của loại tàu chiến này là Tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral. Tàu dài 199m, rộng 32m, độ mớn nước 6,2m, lượng giãn nước toàn tải 22.600 tấn, thủy thủ đoàn 177 người. Tàu có thể chở được 8 trực thăng tấn công Kamov Ka-52K, 8 trực thăng đa nhiệm hải quân Ka-29/31 Helix và có thể được trang bị các xuồng đổ bộ Serna và Dyugon của Nga. Ngoài ra, tàu lớp Mistral còn có khả năng chở thay thế 40 xe tăng và 600 binh sĩ với phạm vi hoạt động lên tới 40.000km.

Tàu đổ bộ lớp Mistral.

Ngày 18/3, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố nước này có thể đóng băng hợp đồng cung cấp tàu chiến lớp Mistral nếu Nga vẫn tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng hiện nay tại bán đảo Crimea, Ukraine. Tuy nhiên, ông Laurent Fabius cũng nói thêm rằng Pháp sẽ không hành động đơn phương mà cần thiết có sự tham gia của cả các nước khác - có nghĩa là sự trừng phạt Nga cần có sự tham gia của tất cả các nước phương Tây.

Ngay sau tuyên bố trên của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã đáp trả kêu gọi Pháp nên thực hiện đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng đã ký, còn nếu tự ý hủy hợp đồng thì sẽ phải trả lại tiền cộng thêm tiền phạt – và đó sẽ là số tiền rất lớn. "Hoặc tuân thủ các nghĩa vụ trong hợp đồng và bàn giao các tàu chiến đúng hạn, hoặc trả lại tiền và những bộ phận của thân tàu được lắp ráp tại xưởng Baltiysky Zavod của chúng tôi", ông Dmitry Rogozin, phó Thủ tướng Nga tuyên bố.

Ngày 6/3 vừa qua, các chuyên gia kỹ thuật quân sự Pháp vẫn quyết định thử nghiệm kỹ thuật lần đầu trên biển đối với tàu sân bay trực thăng Vladivostok lớp Mistral theo hợp đồng bán cho Nga. Thử nghiệm sẽ bao gồm xác minh hoạt động của hệ thống định vị, hệ thống điều khiển và chuyển động của tàu trên mặt nước.

Trong trường hợp Pháp không bán 4 chiếc tàu chiến trên cho Nga, nước này sẽ phải có những kế hoạch khác – hoặc là đưa vào biên chế hải quân hoặc là phải tìm khách hàng khác. Nếu phải lựa chọn điều này thì đây sẽ là điều vô cùng khó khăn vì không phải nước nào cũng có đủ điều kiện để mua những chiếc tàu đổ bộ đắt tiền này.

Gia Nguyễn (Tổng hợp)