Việt Nam có 5 cơ sở đào tạo lọt bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2022

14:08, 03/09/2021

Ngày 2.9, Times Higher Education (THE) đã công bố bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2022. Việt Nam có 5 cơ sở đào tạo được xếp hạng trong bảng xếp hạng này là Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM), Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Điều đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có 2 trường đại học lọt vào top 500.

Cụ thể, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng góp mặt trong top 401-500. Ở chỉ số về trích dẫn, hai trường đại học này còn vượt qua cả một số trường đại học hàng đầu truyền thống như Harvard, MIT…

Trường ĐH Duy Tân có chỉ số trích dẫn đạt 100 (xếp thứ 2 thế giới), Trường ĐH Tôn Đức Thắng có chỉ số trích dẫn đạt 99,3 (xếp thứ 18 thế giới).

bên cạnh đó, 3 cơ sở giáo dục đại học công lập của Việt Nam là có tên trong Bảng xếp hạng THE năm 2022 là Đại học Quốc gia Hà Nội (thứ hạng 1001–1200), Đại Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Bách khoa Hà Nội cùng thứ hạng 1201+.

5 trường Việt lọt Bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2022 - Ảnh 1.

Các đại diện của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng đại học của THE. 

Ba vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng các trường đại học thế giới THE 2022 thuộc về các đại học của Anh và Mỹ. Đứng đầu là Đại học Oxford (Anh); cùng chiếm giữ vị trí thứ 2 là Viện Công nghệ California (Mỹ) và Đại học Harvard (Mỹ).

Đại học Quốc gia Singapore là đại diện của Đông Nam Á có thứ hạng cao nhất, đứng thứ 21, tăng 4 bậc.

THE là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Năm nay, THE đánh giá hơn 1.600 cơ sở giáo dục đại học đến từ 99 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng này lớn nhất từ trước đến nay. Bảng xếp hạng đã phân tích hơn 108 triệu trích dẫn từ hơn 14,4 triệu ấn phẩm nghiên cứu, đồng thời phân tích câu trả lời khảo sát từ gần 22.000 học giả toàn cầu.

THE xếp hạng trường đại học theo 13 chỉ số riêng biệt được chia thành 5 nhóm tiêu chí, gồm: Giảng dạy (môi trường học tập) với trọng số tính điểm xếp hạng là 30%; nghiên cứu (khối lượng, thu nhập, danh tiếng) 30%; các trích dẫn khoa học (tầm ảnh hưởng của nghiên cứu) 30%; triển vọng quốc tế (của nhân viên, sinh viên và nghiên cứu) 7,5% và thu nhập ngành (chuyển giao kiến thức) 2,5%.

Mai Loan (T/h)