10 vụ việc nổi bật dịp Tết Giáp Ngọ

09:44, 03/02/2014

Vào thời khắc linh thiêng: “Tiễn năm cũ, đón năm mới”, trong bầu không khí đón Xuân, lòng người luôn có nhiều xúc cảm. Ấy nhưng trong thời khắc này (của năm nay), đã có nhiều vụ, việc xảy đến với nhiều vui, buồn xen lẫn. Xin điểm ra 10 vụ việc, được cho là nổi bật hơn hết - với cảm xúc riêng, để mọi người cùng chiêm nghiệm.

1. Những công dân sinh năm 2014 đầu tiên  

Vào thời khắc giao thừa 2014, khi năm mới vừa điểm, ở 2 thành phố tại hai đầu đất nước, tại bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) và Phụ Sản Hà Nội, 2 bé trai đầu tiên của năm Giáp Ngọ đã chào đời khỏe mạnh.

Đúng 0 giờ, ngay thời khắc chuyển giao giữa năm Quý Tỵ và Giáp Ngọ, khu sanh của bệnh viện Từ Dũ vỡ òa trong niềm vui khi sản phụ Bùi Thị Thiên Trần Lê (Vũng Tàu) vượt cạn thành công sau một ca sinh thường khó. Đứa con đầu lòng của chị Lê và chồng là anh Nguyễn Kim Phụng đã trở thành một trong những công dân đầu tiên của năm Giáp Ngọ. Và những người sinh đúng thời khắc này chẳng phải là nhiều.

Như thông lệ, Bệnh viện Từ Dũ sẽ tặng quà Tết cho những cháu bé chào đời đầu tiên của năm mới. Dự kiến từ 0 giờ đến 7 giờ ngày mùng 1 Tết, sẽ có khoảng 40 cháu bé chào đời tại đây. 

Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi thời khắc giao thừa vừa điểm - lúc 0h05’, một công dân khác cũng chào đời tại đây. Đó cũng là một bé trai, nặng 2,8kg.

 

Bé trai sinh mổ lúc 0h05’ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nặng 2,8kg.

Các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, vào khoảng 22h30 phút ngày 30 Tết, sản phụ Nguyễn Thị Chanh ở xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, được gia đình cho nhập viện trong tình trạng chuyển dạ sinh. Do trường hợp sinh của sản phụ Chanh là khá phức tạp, nên các bác sĩ đã phải tiến hành mổ để lấy thai nhi. Và đúng 0h05' thai nhi được lấy ra trong niềm vui hân hoan của gia đình.

Là 2 bé trai khởi đầu trong năm, cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ có thêm sức trẻ (trai) để “bật lên” trong tương lai. Nhưng, ở góc độ khác, toàn trai cũng có nghĩa là thiếu cân bằng. Nói thiếu cân bằng chỉ ở một thời khắc là chưa “chuẩn”, tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ mất cân bằng giới tính ở Việt Nam đã diễn ra từ vài chục năm nay, cho thấy, điều này cũng có căn nguyên.

2. Chính khách “vi hành” vào thời khắc giao thừa

Việc nguyên thủ Quốc gia chúc Tết lúc giao thừa trên truyền hình, đài phát thanh hay đi thăm các vị lãnh đạo, cơ quan, công sở vào dịp Tết là “xưa rồi Diễm”. Cái mới, cái hay của năm nay, ấy là việc các chính khách đã “vi hành” thăm người dân, thăm những hoạt động xã hội mà người dân tham gia trong đó, để cùng hiểu và chia sẻ với họ ngay thời khắc thiêng liêng quả thực rất ý nghĩa.

Chuyến tàu Bắc-Nam cuối cùng của năm Qúy Tỵ mang số hiệu SE3, chở 312 hành khách (gồm 102 hành khách lên tàu từ Hà Nội, sau đó đón thêm hơn 200 hành khách nữa trên các ga dọc đường) từ Hà Nội đi TP.HCM, xuất phát trước thời khắc giao thừa năm Giáp Ngọ 1 tiếng. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đến tiễn và chúc Tết những người đi tàu trên chuyến tàu này.

Khác với mọi ngày, ga Hà Nội đêm cuối năm 2013 (âm lịch) tuy vắng lặng nhưng không khí lại ấm cúng, đầy tình người, bởi gặp nhau, bất cứ ai, dù không quen nhưng tự nhiên, ai cũng cười thân thiện và chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Nhưng họ càng thấy ấm tình người hơn khi vinh hạnh được Bộ trưởng Thăng tới thăm, bắt tay chúc Tết, lì xì (mừng tuổi) lấy “hên” và chào tiễn biệt.

Bộ trưởng Đinh La Thăng lên tàu lì xì cho các hành khách cuối cùng của năm Qúy Tỵ

Rồi sáng mùng 1 Tết, các công nhân của Công ty TNHH Huê Phong, thuộc Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP HCM đã đồng loạt vỗ tay, reo hò khi được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm họ ngay tại nhà lưu trú công nhân.

“Vì sao không về quê ăn Tết?”- Ấy là câu hỏi, rồi sau đó là sự chia sẻ của vị nguyên thủ quốc gia đối với những công nhân xa xứ, vì nhiều lý do, không thể về quê mà phải ở lại TP.HCM trong những ngày Tết này.

Không thể diễn tả hết được niềm vui của những công nhân lao động nghèo khi được gặp người lãnh đạo cao nhất của đất nước. “28 năm trong cuộc đời, đây là lần đầu tiên con được gặp ngài Chủ tịch thực sự mà không phải nhìn trên truyền hình” - Chị Lương Thị Oanh, một công nhân Công ty Huê Phong bộc bạch với Chủ tịch.

Còn chiều mùng 1 Tết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và chúc Tết các công nhân đang thi công nhịp dầm đầu tiên của công trình nút giao thông Ngã ba Huế (tại Đà Nẵng). Theo mô tả của các báo, Phó Thủ tướng đã không quản ngại hiểm nguy, ông đã leo cầu thang tạm (bằng sắt) lên đến “lưng chừng trời” để được trực diện những công nhân đang làm việc tại đây.

 

Phó Thủ tướng đã leo lên chiếc cầu thang tạm, cứ rung lắc khi có người leo này để thăm công nhân.

Khó để lượng hóa được hiệu ứng xã hội từ việc các chính khách xuất hiện trong những thời khắc mà đa phần mọi người, mọi nhà đã nghỉ ngơi, sum họp gia đình hoặc vui chơi Tết. Nhưng ở đâu đó, từ thành thị tới nông thôn, hay trên công trường, nhà máy,… vẫn có những người không có Tết, hoặc chưa được nghỉ Tết (vẫn làm và nghỉ sau), vậy nên việc mang niềm vui, dù nhỏ đến với họ ngay lúc này vô cùng ý nghĩa.

3. Tết Giáp Ngọ, hàng ngàn người đến viếng Đại tướng

Trong những ngày cuối năm, hàng ngàn người, từ Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận đã đổ về khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình) để thắp lên mộ ông những nén nhang tưởng nhớ đầy thành kính.

Đến viếng mộ có khá nhiều em bé và các cụ già. Có cụ đã ngoài 80 tuổi, lại ở tỉnh xa nhưng vẫn nhất quyết đòi con cháu phải dìu lên tận mộ Đại tướng để thắp hương, bởi theo các cụ, đây có thể là lần cuối cùng trong đời,... Hành trang của những người đến viếng Đại tướng khá đơn giản. Người thì bó hoa, nắm hương, người thì giỏ hoa quả, nhưng tất cả đều hướng về khu mộ với vẻ trang nghiêm và thành kính.    

 “Viếng Đại tướng như viếng tổ tiên ông bà mình. Thắp được một nén nhang lên mộ khiến lòng ấm hẳn” – Đó là lời của ông Nguyễn Mạnh Công, một người ở Đà Nẵng đến viếng Đại tướng chiều 29 Tết.

Trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, lượng người dân cả nước đổ về Vũng Chùa - Đảo Yến để viếng mộ Đại tướng còn cao hơn. Theo Đội bảo vệ khu mộ, trong ngày mùng 1 Tết có khoảng 6.000 lượt người và ngày mồng 2 Tết có 7.000 lượt người đã đăng ký vào viếng.

 

Hàng nghìn người dân cả nước đã đến viếng Đại tướng tại Vũng Chùa-Đảo Yến trong dịp Tết này.

Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình - Đơn vị được giao canh gác, trông coi khu mộ Đại tướng - Đại tá Nguyễn Văn Phúc cho biết, tính từ thời điểm Đại tướng về yên nghỉ tại Vũng Chùa này đến nay, đã có gần 200.000 lượt người đến thăm viếng. Những ngày giáp Tết, tuy bận bịu nhưng mỗi ngày cũng có ít nhất hơn 1.000 người đến thắp hương cho Đại tướng. Ông còn cho biết, trong những ngày Tết, lực lượng canh gác sẽ túc trực bên cạnh mộ Đại tướng để hương khói cũng như đón khách đến viếng Đại tướng đầu năm.

Ở góc độ khác, trước ngôi nhà (số 30) của Đại tướng trên phố Hoàng Diệu, nhiều người không có điều kiện đến tận mộ ông ở Vũng Chùa-Đảo Yến để viếng đã đến đây để thắp hương vọng vào, bởi gia đình Đại tướng không tổ chức việc này.

Tấm lòng tưởng nhớ “vị Đại tướng của Nhân dân” của hàng trăm nghìn người dân Việt Nam, trong đó, có nhiều người đã coi Đại tướng như những bậc tổ tiên, sinh thành trong chính gia tộc mình đã nói lên tất cả.

4. Ông Chấn vui Tết đoàn viên sau 10 năm tù oan

Trong suốt 10 năm ông Chấn chịu cảnh tù oan, cả gia đình ông không năm nào có Tết. Năm nay, niềm vui đoàn viên của gia đình được nhân đôi khi ngay trước Tết, ông Chấn đã được minh oan. Trong những ngày Tết Giáp Ngọ, ông Chấn cùng gia đình vui vẻ đi chúc Tết họ hàng, bạn bè như bao người, và ngược lại, căn nhà ông cũng không ngớt người đến thăm, chia vui trong những ngày này.

Hai đứa cháu (một nội, một ngoại) nằng nặc đòi theo ông Chấn đi chúc tết họ hàng.

Nói về niềm mong ước của mình, ông Chấn cho biết, chỉ mong cho mẹ già được khỏe mạnh, người vợ hiền được sớm lành bệnh. Và ông cũng mong các cơ quan chức năng có sự bồi thường thỏa đáng cho những năm tháng ông đã bị tù oan. Điều này chúng ta còn phải chờ xem sự công minh của Nhà nước đến đâu?!

5. Rải tiền suốt 3 km Quốc lộ để “lấy hên” ở TP.HCM

Vào đêm giao thừa (30/1), một chiếc xe du lịch 4 chỗ đã rải tiền suốt chiều dài hơn 3 km để "lấy hên" trên tuyến Quốc lộ 10, đoạn qua địa phận Củ Chi, nối TP.HCM - Tây Ninh.

Nhiều người dân ở ấp Bình Hạ Tây (xã Thái Mỹ, H.Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã nhận được "lộc" này. Số tiền được rải có các mệnh giá 1.000 - 2.000 và 5.000 đồng, ước tính trên dưới 10 triệu đồng.

Đến rạng sáng ngày 31/1 (mùng 1 Tết), toàn bộ số tiền trên đã được người đi đường nhặt sạch. Người dân ở đây còn cho biết, dường như năm nào trên đoạn đường này cũng xuất hiện những "người bí ẩn" rải tiền trong đêm giao thừa.

Chẳng biết đoạn đường này “linh nghiệm” cỡ nào, và sự mê tín ấy đem lại cho những gia chủ đã rải tiền những gì, nhưng quả thực, việc dân ta (ngày nay) vứt đầy tiền lẻ ở các đình, chùa, chân (thậm chí cả trên đầu, mình) tượng phật vào những dịp Lễ, Tết, cho thấy văn hóa Việt đã có những sắc thái khác, không hẳn chỉ là tâm linh.

6. Mùng 2 Tết, 2 căn nhà bị cháy, 1 người chết

Vào khoảng 17h chiều 1/2 (mùng 2 Tết), tại ngôi nhà số 200 đường Ngô Gia Tự, Phường 4, Quận 10, TPHCM do bà Ngô Thị Hảo (87 tuổi) làm chủ đã xảy ra cháy.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 16h30 chiều 1/2, chị Nguyễn Thảo Phương Dung (32 tuổi, ngụ ở Tân Bình) cùng một người tên Thảo đến nhà bà Hảo để chúc Tết. Khi mọi người đang trò chuyện thì phát hiện đám cháy ở tầng lửng nên tất cả mọi người hô hoán nhau thoát lên các tầng trên.

Lo sợ đám cháy bùng phát mạnh, trong lúc hoảng loạn, chị Dung đã đập cửa kính ở tầng 4 nhằm thoát thân sang ngôi nhà kề bên nhưng không may bị trượt tay, ngã xuống đất và tử vong tại chỗ. 4 người khác trong nhà do lượng khói quá nhiều đã bị ngạt.

Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã kịp thời điều động 7 xe chữa cháy của Quận 1 và Quận 11, cùng xe thang đến hiện trường để dập lửa và cứu người. Sau 30 phút, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Và các chiến sĩ đã đưa xe thang tiếp cận hiện trường, cứu được 4 người bị ngạt khói trong nhà, chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện Trưng Vương.

Cùng ngày, khoảng 14 giờ, một ngôi nhà sàn của người dân tại bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cũng bị ngọn lửa thiêu trụi.

Theo những người chứng kiến, do đặc tính nhà sàn bằng gỗ dễ bắt lửa, gió lại thốc từ gầm lên cao nên chỉ trong 1 giờ đồng hồ, tòan bộ ngôi nhà cùng ngô, lúa chất dưới gầm nhà sàn bị cháy thành than hết. Dù lực lượng cứu hỏa có mặt ngay sau đó nhưng cũng không thể thắng được "bà hỏa". Được biết, ngôi nhà này của gia đình ông Hoàng Văn Dương, thuộc diện hộ nghèo của thị xã Nghĩa Lộ.

7. Kẹt xe nghiêm trọng đêm mồng 1 Tết ở trung tâm TP.HCM  

Điều này có vẻ “nực cười” nhưng lại là sự thật. Thông thường, trong những ngày Tết, các con đường ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM thường khá vắng vẻ, bởi nhiều người ở đây đã về quê ăn Tết. Nhưng năm nay, với TP.HCM, điều này đã không còn đúng nữa.

Theo đó, khoảng 19h tối 31/1 (mùng 1 Tết), hàng ngàn người dân thành phố đã đổ về đường hoa Nguyễn Huệ (Quận 1) để vui chơi, chụp ảnh lưu niệm, khiến toàn bộ các tuyến đường xung quanh khu vực này như Lê Lợi, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng… bị kẹt xe nghiêm trọng.

Tại đường Lê Lợi - đoạn từ vòng xoay trước chợ Bến Thành đến giao lộ Nguyễn Huệ, hàng ngàn xe gắn máy chen chúc nhau nhích từng chút một. Và tình trạng kẹt xe càng trở nên nghiêm trọng hơn khi có nhiều người đi bộ chen ngang dòng xe gắn máy để vượt qua đường.

Tương tự, tại các giao lộ Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi - Pasteur, hàng xe bị kẹt cứng kéo dài cả Km. Đến 21h, dù lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong đã tích cực phân luồng, nhưng tình trạng kẹt xe vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bởi tới khoảng 22 giờ, nhiều người lẫn phương tiện vẫn tiếp tục đổ dồn về khu vực này.

Đường Lê Lợi kẹt xe nghiêm trọng trong đêm mùng 1 Tết.

Ngoài cảnh kẹt xe, nhiều khách du xuân còn thêm bực bội với nạn móc túi và chặt chém của các bãi giữ xe tự phát xung quanh đường hoa Nguyễn Huệ với giá 20 - 30 ngàn đồng/1 chiếc.

Việc tổ chức “Đường hoa” Nguyễn Huệ, sau đó là “Đường sách” (cũng trong khu vực) đã trở thành “nét văn hóa” mang tính khác biệt của TP.HCM nhiều năm nay. Thế nhưng tới đây, chính quyền TP.HCM cũng cần suy tính rộng hơn khi tổ chức những đường hoa tương tự.

8. Tết Giáp Ngọ, 80 người chết vì tai nạn giao thông

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 3 ngày Tết (30, mùng 1 và mùng 2 Tết) cả nước đã xảy ra 182 vụ tai nạn giao thông, làm chết 80 người, bị thương 214 người, tăng 73 vụ so với cùng thời điểm năm trước. Phần lớn tai nạn xảy ra là do xe máy va chạm nhau trên các đường liên huyện, nông thôn khi người tham gia giao thông uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, dịp Tết năm nay tình hình trật tự an toàn giao thông tương đối ổn định, không có tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải. Tết này, người dân được nghỉ dài từ trước Tết nên đã giảm áp lực cho ngành vận tải, các tuyến đường không bị ách tắc và giảm tình trạng nhồi nhét khách.

Do đã có bia, rượu nên đã góp phần làm tăng tai nạn giao thông trong dịp Tết (ảnh minh họa).

Trong 3 ngày Tết, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 6.476 trường hợp vi phạm trật tự giao thông, thu nộp kho bạc Nhà nước 2,7 tỷ đồng, tạm giữ 10 ôtô, hơn 2.200 môtô.

TNGT ở Việt Nam liệu có ở Top đầu các nước trên thế giới? Không có ai tổng kết và cũng không ai muốn tổng kết, so sánh. Thế nhưng mỗi năm, số người chết vì TNGT ở Việt Nam chẳng thua gì những năm chiến tranh. Quả là bi thương!

9. Cơn bão đầu tiên xuất hiện vào ngày mùng 2 Tết

Hồi 16 giờ ngày 1/2/2014 (tức mùng 2 Tết), cơn bão số 1 - Kajiki đã vượt qua kinh tuyến 120 để vào khu vực biển Đông nước ta. Vị trí tâm bão số 1 lúc 16 giờ ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía đông Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Hiện bão Kajiki đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần trên biển Đông. Như vậy, bão Kajiki không ảnh hưởng đến khu vực đất liền của Việt Nam.

Không biết đây là điềm lành hay dữ, nhưng cho thấy rằng, con người (nói chung) và thiên nhiên đã thiếu hòa hợp với nhau từ lâu rồi. Trước đây, ông bà ta từng đúc kết, bão chỉ có vào tháng 6 cho đến tháng 10, hết tháng 9 âm lịch là hết bão (với miền Bắc). Nhưng thiên tai bây giờ chẳng còn theo quy luật nữa.

10. Tết Giáp Ngọ, các mạng di động không bị nghẽn 

Ngày nay, với hàng triệu người, nhu cầu gọi điện, gửi tin nhắn trong những ngày Tết, đặc biệt là đêm giao thừa đã trở thành thiết yếu và không thể thiếu, bởi nó giúp họ chia sẻ tình cảm với nhau vừa nhanh, thuận tiện lại mang vẻ văn hóa nữa.

Hiểu được điều này, các mạng di động đã nỗ lực chuẩn bị, từ năng lực chuyển tải của mạng cho tới chất lượng dịch vụ ngay từ khá sớm. Nhờ vậy, năm nay (kể cả mấy năm trước), ở những thời điểm nhạy cảm như giao thừa, đầu năm mới đã không xảy ra tình trạng nghẽn mạch, nghẽn mạng như bao người từng lo.

Theo thông tin từ MobiFone, mặc dù trong đêm 30 Tết, lưu lượng SMS của mạng MobiFone tăng gấp 3 lần và dữ liệu tăng gấp 2 lần so với những ngày thường, nhưng nhà mạng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của người dùng.

Còn mạng VinaPhone, lưu lượng thoại trong đêm giao thừa cũng tăng khoảng 20% và lưu lượng dữ liệu tăng khoảng 3 - 4 lần so với những ngày bình thường, đặc biệt là ở các điểm bắn pháo hoa, nhưng sự cố nghẽn mạng đã không xảy ra.

Có thể nói, đây là năm mà năng lực mạng lưới 2G và 3G của các mạng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách từ trước đến nay.

Thanh Trà (tổng hợp)