3 xu hướng định hình ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

15:45, 29/03/2024

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp ô tô đang thay đổi mạnh mẽ và tương lai sẽ thuộc về ô tô điện với khả năng đáp ứng nhu cầu của người dùng về công nghệ an toàn, tiết kiệm năng lượng và kết nối thông minh.

Công nghệ an toàn: Xu thế cạnh tranh mới

Ngày nay, công nghệ an toàn không còn là “đặc quyền” trên những mẫu xe siêu sang mà đã xuất hiện trên rất nhiều mẫu xe có mức giá vừa túi tiền số đông người dùng. Người dùng bởi thế ngày càng có xu hướng lựa chọn những chiếc xe đề cao an toàn, thay vì những cỗ máy “nhiều không” như trước.

Nhu cầu của người dùng khiến các hãng xe buộc phải thay đổi và đầu tư vào những công nghệ an toàn, đặc biệt là các tính năng hỗ trợ lái nâng cao (ADAS). Với sự phát triển của AI, ADAS đang chứng kiến cuộc cách mạng lớn. Những tính năng đỉnh cao công nghệ một thời như hệ thống chống bó cứng phanh điện tử (ABS) hiện tại đã trở thành trang bị đương nhiên trên ô tô.

Đơn cử như VinFast, hãng xe Việt Nam đã tiến xa hơn với hàng loạt công nghệ trên những mẫu xe có mức giá vừa phải như: Cảnh báo va chạm, cảnh báo điểm mù, phanh tự động khẩn cấp, hỗ trợ đỗ xe thông minh, hỗ trợ lái xe trên cao tốc. Ngoài ra còn là loạt công nghệ giúp người dùng yên tâm khi di chuyển như giám sát hành trình thích ứng, nhận biết biển báo giao thông, hệ thống giám sát người lái để đưa ra cảnh báo khi có dấu hiệu buồn ngủ trong khi lái xe…

Công nghệ chính là lợi thế cạnh tranh của xe điện khi so với xe xăng.

Theo dự báo của giới chuyên gia, công nghệ an toàn nói chung và ADAS nói riêng sẽ bùng nổ trong thời gian tới với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các hãng xe. Tuy nhiên, trong “cuộc chiến” này, ô tô điện đang có lợi thế lớn nhờ khả năng tích hợp nhiều công nghệ, tính năng ADAS hơn hẳn xe xăng cùng phân khúc.

Công nghệ tiết kiệm năng lượng và thế mạnh tuyệt đối của xe điện

Cùng với các tính năng an toàn, theo nhiều nghiên cứu, người dùng ngày càng quan tâm tới khả năng tiết kiệm năng lượng của ô tô. Đó là lý do ô tô điện ngày càng chinh phục được người dùng với lợi thế nổi tiếng về khả năng tiết kiệm chi phí.

Thậm chí, trong tương lai, xe điện sẽ ngày càng tiết kiệm hơn khi công nghệ pin ngày càng phát triển, quãng đường di chuyển ngày càng lớn. Chuyên trang về công nghệ Top Speed dự báo, nhiều xe điện có phạm vi hoạt động tới 600 km sẽ được tung ra thị trường vào năm 2025 giúp ô tô điện là lựa chọn số 1 cho người dùng.

Thực tế, không cần đợi tới năm 2025, hiện tại, không ít mẫu xe trên thị trường đã chạm tới con số trên. Ngay tại Việt Nam, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, VinFast đã đưa pin CATL vào hai dòng sản phẩm VF 8 và VF 9 giúp quãng đường di chuyển của xe tăng lên đáng kể, lên tới 35 – 40%. Bản VF 9 Eco hiện tại đã có thể di chuyển được quãng đường lên tới 626 km sau một lần sạc đầy (theo điều kiện tiêu chuẩn châu Âu WLTP). Ngoài ra, VinFast cũng áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng khác như hệ thống phanh tái tạo năng lượng... giúp xe tiết kiệm pin và giảm chi phí vận hành.

Nghiên cứu và phát triển xe điện cần đi kèm với việc tăng độ phủ trạm sạc.

Không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dùng, theo dự báo, các hãng xe có độ phủ về hạ tầng lớn, giúp tiết kiệm thời gian cho người dùng cũng sẽ có ưu thế lớn trong cuộc đua thời gian tới. “Vũ khí” này đang được các hãng xe như VinFast tận dụng tốt. Tại Việt Nam, VinFast đang quy hoạch hệ thống trạm sạc với 150.000 cổng sạc tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Ngoài ra còn là các trụ sạc có công suất đa dạng, từ sạc thường đến siêu nhanh có mặt tại 125 tuyến quốc lộ và cao tốc cũng như phủ khắp các bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, chung cư, toà nhà văn phòng... ở các thành phố lớn.

Hạ tầng trạm sạc này được dự đoán sẽ còn phủ rộng và phát triển nhanh hơn nữa khi mới đây, nhà sáng lập VinFast – ông Phạm Nhật Vượng – công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc xe điện Toàn cầu V-GREEN với kế hoạch đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới.

Xu hướng bùng nổ của công nghệ kết nối thông minh

Hãng công nghệ nổi tiếng thế giới Autodesk đánh giá, một trong những xu hướng của ngành công nghiệp ô tô là “các nhà sản xuất ô tô phải suy nghĩ giống như các công ty phần mềm”. Thực tế, với nhu cầu kết nối của con người hiện tại, ô tô không đơn thuần là chiếc xe 4 bánh biết di chuyển, mà phải là một phương tiện công nghệ.

Xu hướng này theo giới chuyên gia sẽ ngày càng rõ nét. Ô tô điện có thể tương tác trong thời gian thực với các phương tiện khác, hệ thống điều khiển giao thông và dịch vụ đám mây. Các dịch vụ được cá nhân hóa, công nghệ tích hợp ô tô với nhà thông minh, các tính năng phục vụ cả người lái và người ngồi trong xe… là những xu hướng bùng nổ trong thời gian tới, theo Autodesk.

Các hãng xe điện đang đón đầu xu hướng này rất tốt, đặc biệt là những nhà sản xuất sớm tập trung phát triển các dòng xe thuần điện như VinFast. Các mẫu ô tô điện VinFast hiện đã đi rất xa và được tích hợp nhiều dịch vụ, tiện ích thông minh hấp dẫn như: Mua sắm sản phẩm, dịch vụ trực tuyến, tiện ích giải trí, tiện ích văn phòng, đặt lịch hẹn dịch vụ…. Rất nhiều người dùng trải nghiệm thực tế đã so sánh xe điện VinFast là một “ngôi nhà di động”, tích hợp nhiều tính năng thông minh ưu việt, mang đến cho người dùng trải nghiệm đỉnh cao.

Đặc biệt, các thế hệ xe điện như VinFast được ví như một chiếc điện thoại di động thông minh với khả năng nâng cấp liên tục suốt vòng đời sản phẩm nhờ cập nhật phần mềm. Đây cũng là lợi thế khiến ô tô điện ngày càng thông minh, vận hành tốt hơn và ngày càng nhiều trải nghiệm nâng cao cho người dùng.

Xe đin được nhận định là “tương lai” của giao thông toàn cầu.

Trong thời gian tới, chuyên trang Top Speed nhận định, xe điện sẽ ngày càng bỏ xa ô tô xăng truyền thống về mức độ an toàn, hiệu suất động cơ, khả năng tiết kiệm năng lượng, trải nghiệm tiện lợi và thông minh, bắt kịp cả 3 xu hướng lớn của ngành công nghiệp ô tô. Cùng với nhận thức ngày càng tốt của người dùng về môi trường, xe điện bởi thế không chỉ là tương lai của ngành công nghiệp ô tô mà còn của nền kinh tế xanh trên toàn thế giới.

PV (Theo Tạp chí Tin học và Đời sống)