4 nguyên tắc thu thập thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo TCVN 13987:2024
TCVN 13987:2024 đưa ra các yêu cầu thu thập thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tiêu chuẩn này áp dụng cho sản phẩm thực phẩm đóng gói nhằm đảm bảo việc thu thập thông tin truy xuất nguồn gốc đảm bảo tính đầy đủ và khả năng thu hồi sản phẩm trên toàn bộ chuỗi cung ứng (không áp dụng cho sản phẩm thực phẩm không đóng gói).
Truy xuất nguồn gốc là hoạt động chỉ ra chính xác một sự kiện trong chuỗi cung ứng, theo đó xác định được một đơn vị sản phẩm, từ đó xác định thuộc về lô/mẻ sản phẩm nào (what), đang diễn ra ở đâu (where), tại thời điểm nào (when), ai đang thực hiện (who) và lý do sự kiện đó diễn ra (why).
Theo đó, TCVN 13987:2024 về truy xuất nguồn gốc - yêu cầu về thu thập thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/GS1 Mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
TCVN 13987:2024 áp dụng cho sản phẩm thực phẩm đóng gói. (Ảnh minh họa)
TCVN 13987:2024 đưa ra yêu cầu thu thập thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tiêu chuẩn này áp dụng cho sản phẩm thực phẩm đóng gói nhằm đảm bảo việc thu thập thông tin truy xuất nguồn gốc đảm bảo tính đầy đủ và khả năng thu hồi sản phẩm trên toàn bộ chuỗi cung ứng (không áp dụng cho sản phẩm thực phẩm không đóng gói).
Về nguyên tắc áp dụng, thứ nhất đối với nguyên tắc về hệ thống: Tổ chức phải đáp ứng yêu cầu chung quy định trong TCVN 12850:2019 về Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc, bao gồm yêu cầu về hệ thống truy xuất nguồn gốc và yêu cầu về dữ liệu truy xuất nguồn gốc;
Hệ thống truy xuất nguồn gốc tại các điểm trong chuỗi cung ứng sản phẩm phải có khả năng thu thập lại thông tin bắt buộc tại tất cả các khâu nhằm đảm bảo khả năng truy xuất thông tin một cách hiệu quả; Các bên tham gia phải thiết lập một hệ thống quản lý các hồ sơ tài liệu và đảm bảo các hồ sơ tài liệu này được truy cập ở trên toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm; Thời gian cập nhật thông tin cần được đảm bảo đúng tiến độ và tần suất theo quy định.
Thứ hai, đối với nguyên tắc về hình thức: Hồ sơ tài liệu thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm phải được lưu ở dạng điện tử và/hoặc dạng giấy. Trong đó, hồ sơ tài liệu này có thể được mã hóa thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp trên các vật mang dữ liệu.
Thứ ba, đối với nguyên tắc về thu thập thông tin: Việc thu thập thông tin và hồ sơ cần thực hiện đầy đủ tất cả nội dung, sử dụng thống nhất từ viết tắt trong bảng viết tắt, các nội dung không có trong bảng viết tắt thì không được viết tắt. Cần lập danh sách nhân sự tất cả các bên tham gia thu thập thông tin;
Nội dung đã thu thập không được phép sửa chữa, xóa. Đối với nội dung sai, ghi chép bổ sung và cập nhật lý do bổ sung; Việc thu thập thông tin được thực hiện cùng lúc với nghiệp vụ truy xuất nguồn gốc, không được bổ sung sau hoặc điền ước lượng. Thu thập thông tin cần được cả người thực hiện và người giám sát, đánh giá xem xét và ký tên xác nhận nội dung hồ sơ đầy đủ và rõ ràng. Các yêu cầu việc sử dụng chữ ký điện tử cho hồ sơ điện tử tuân thủ theo quy định hiện hành.
Thứ tư, đối với nguyên tắc về thời gian lưu giữ thông tin: Hồ sơ lưu giữ thông tin truy xuất nguồn gốc và các chứng từ có liên quan theo quy định hiện hành.