Hãng công nghệ nào thu thập thông tin người dùng nhiều nhất?
Việc bị các hãng công nghệ lớn theo dõi và thu thập thông tin cá nhân đã trở thành phổ biến, hầu hết người dùng Internet nào cũng biết và phải chấp nhận. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những thông tin nào của mình đang bị thu thập và hãng công nghệ nào đang thu thập nhiều thông tin nhất.
Để đi tìm câu trả lời, trang web StockApps.com đã thực hiện một nghiên cứu về 5 hãng công nghệ có người dùng lớn nhất hiện nay, bao gồm Google, Twitter, Apple, Amazon và Facebook.
Báo cáo của StockApps.com cho biết Google là hãng thu thập nhiều thông tin người dùng nhất, với 39 dạng thông tin khác nhau cho mỗi người dùng. Theo StockApps.com, điều này là không quá bất ngờ khi Google sẽ dựa vào các thông tin của người dùng để hiển thị các kết quả tìm kiếm và nội dung quảng cáo phù hợp với sở thích cá nhân của từng người.
Điều bất ngờ đó là Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới và nổi tiếng với những vụ bê bối thu thập và bán thông tin người dùng lại chỉ đứng thứ 4 trong số 5 "ông lớn", khi chỉ thu thập 14 dạng thông tin cho mỗi người dùng. StockApps.com cho biết, Facebook thường thu thập các thông tin do chính người dùng khai báo trên mạng xã hội này, thay vì thu thập một cách trái phép các thông tin mà người dùng muốn giấu kín.
Bảng thống kê 5 hãng công nghệ lớn thu thập thông tin người dùng
Mạng xã hội Twitter và Amazon lần lượt xếp thứ 2 và thứ 3 trong số các hãng công nghệ thu thập nhiều thông tin người dùng nhất. Trong đó, Twitter thu thập 24 và Amazon thu thập 23 dạng thông tin cá nhân của mỗi người dùng.
Apple xếp cuối trong số 5 "ông lớn" được StockApps.com nghiên cứu, khi chỉ thu thập 12 dạng thông tin của người dùng. Trước đó, Apple luôn khẳng định tìm mọi cách để bảo vệ sự riêng tư và thông tin cá nhân của người dùng, không bao giờ sử dụng thông tin của họ cho mục đích thương mại như Google hay Facebook đang làm.
Apple thường chỉ thu thập những thông tin của người dùng phục vụ cho việc tăng trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ, chứ không nhằm mục đích kiếm lợi từ các thông tin này.
Đây cũng là điều dễ hiểu, khi so với Facebook, Twitter, Amazon hay Google, Apple có những sản phẩm riêng biệt để bán cho người dùng như iPhone, iPad, MacBook… trong khi các công ty Internet và thương mại điện tử cần phải phụ thuộc nhiều vào thông tin người dùng để hoạt động và kiếm lợi nhuận.
"Hầu hết mọi người đều không có thời gian hoặc sự kiên nhẫn để đọc các chính sách bảo mật cho mỗi trang web mà họ truy cập. Ngoài ra, không phải người dùng nào cũng có kiến thức về luật để nắm bắt đúng chính sách về quyền riêng tư. Do đó, nhiều người dùng sẽ cho phép các công ty Internet, mạng xã hội, thương mại điện tử… thu thập thông tin của họ bằng cách đồng ý với các điều khoản của chính sách bảo mật, ngay cả khi chưa đọc qua chúng", Edith Reads - đại diện của StockApps.com cho biết.
StockApps.com cũng trấn an rằng các hãng công nghệ thường thu thập thông tin cá nhân của người dùng Internet nhằm mục đích hiển thị quảng cáo và nội dung phù hợp với sở thích và mối quan tâm của họ, hơn là nhằm mục đích xấu như lừa đảo hoặc tống tiền….
Thanh Thanh (T/h)