4G bị 'khai tử' ở Trung Quốc
Chiến dịch "thắt chặt 4G", buộc người dùng chuyển sang 5G với chi phí cao hơn đang trở thành chủ đề tranh cãi của người dùng mạng di động ở Trung Quốc.
Theo Consumerreports, nhà mạng China Mobile không còn cung cấp các gói dịch vụ 4G tại nhiều khu vực. Người dùng chỉ có thể chọn các gói 5G với giá tương đối cao. Ở những khu vực 4G chưa bị "khai tử", các gói dịch vụ tuỳ chọn cũng bị giảm đi nhiều.
Jin Wang sống ở Quế Lâm nói với Jiemian News rằng thời gian gần đây, các nhà mạng địa phương thường xuyên gọi điện để quảng cáo các gói 5G. "Họ nói rằng thêm 19 nhân dân tệ để đổi gói 5G. Sau khi hỏi kỹ, tôi mới biết đây là chi phí cho tháng đầu tiên, bắt đầu từ tháng thứ hai là 59 nhân dân tệ", Wang nói.
Trung Quốc đang có 150 triệu thuê bao 5G nhưng chỉ có 100 triệu smartphone 5G được bán ra trong năm nay. Ảnh: Chinadaily.
Ba nhà mạng lớn của Trung Quốc - China Mobile, Sichuan Telecom và China Unicom - đều áp dụng một chiến lược gọi tắt là "Thắt chặt 4G và thúc đẩy 5G". Nhân viên tổng đài của Sichuan Telecom xác nhận gói 4G đã bị xoá khỏi hệ thống, người dùng chỉ có thể chọn gói 5G mới ra mắt. Khách hàng mới của nhà mạng cũng không có lựa chọn nào khác. Những người đã nâng cấp lên 5G cũng không thể chuyển lại 4G sau thời gian dùng thử.
Trên trang chủ của China Unicom, chỉ 3/15 gói cước 4G được giảm giá. 12 gói còn lại là ưu đãi dành cho 5G. Mức ưu đãi phổ biến nhất cho gói 4G gồm 1.000 phút đàm thoại, lưu lượng không giới hạn, giá 30,7 nhân dân tệ mỗi tháng. Trong khi giá khởi điểm của 5G với ưu đãi tương tự là 129 nhân dân tệ trở lên.
Báo cáo trước đó của IiMedia Consulting về "Trải nghiệm và phản hồi của người dùng 5G Trung Quốc năm 2020" cho thấy 49,2% người dùng tin rằng giá 5G đang quá đắt. 44,8% người dùng smartphone cho rằng lý do họ không mua điện thoại 5G vì giá cước quá cao.
Đây không phải lần đầu tiên các nhà mạng vấp phải phản đối của người dùng về các gói dịch vụ 5G. Ba nhà mạng lớn đã đẩy mạnh chiến dịch quảng cáo khiến nhiều người phàn nàn rằng họ đang bị làm phiền. Không ít người nghi ngờ nhà mạng đã cố tình "bóp" băng thông 4G để buộc người dùng nâng cấp lên 5G.
Tính đến tháng 8, số người dùng 5G ở Trung Quốc đã cán mốc 150 triệu thuê bao, vượt quá sản lượng 100 smartphone 5G bán ra. Điều này đồng nghĩa 1/3 người dùng đang không thật sự kết nối 5G.
Với các nhà mạng, việc thúc đẩy người dùng sớm chuyển sang 5G sẽ có lợi khi các thiết bị đầu cuối phổ biến hơn. Tuy nhiên, không ít người lại chọn phương án ngược lại. Chu Shen ở Hồ Châu, Triết Giang, cho biết, anh đã nâng cấp smartphone 5G từ tháng 7 nhưng nhất quyết không sử dụng dịch vụ 5G. "Quá đắt, tôi không định dùng vào lúc này. Tôi sẽ chờ thêm một thời gian đến khi giá 5G giảm, tôi thấy dùng 4G vẫn rất tốt", Shen nói.
Trước sự phản ứng của người dùng, một số nhà mạng đã tìm cách "phá giá". Ngày 16/9, một nhà mạng tung ra gói 5G giá rẻ với chi phí 9 nhân dân tệ một tháng. Ngay sau đó người dùng phát hiện ra "tốc độ 300 Mb/giây" trong quảng cáo thực ra là tốc độ tối đa của mạng 4G đang được ba nhà mạng lớn triển khai. Nói các khách, 4G và 5G giá rẻ là một.
Việc đầu tư lớn vào hạ tầng 5G khiến các nhà mạng chịu không ít áp lực về doanh thu. Báo cáo tài chính của ba nhà mạng lớn nhất Trung Quốc cho thấy trong năm 2020, China Mobile, China Unicom và China Telecom đã đầu tư hơn 180 tỷ nhân dân tệ vào 5G. Đến giữa năm 2020, tổng vốn đầu tư đã đạt 88 tỷ nhân dân tệ. Lợi nhuận ròng của China Mobile trong nửa đầu năm đạt 55, 77 tỷ nhân dân tệ, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. China Unicom và China Telecom lần lượt đạt 7,6 tỷ và 13,9 tỷ nhân dân tệ.
Theo Dong Yunting, Giám đốc Uỷ ban Chuyên gia của Liên đoàn Công nghiệp thông tin và Điện tử Trung Quốc, đầu tư vào 5G cao gấp 5 lần so với 4G. Trước đây Trung Quốc đã bỏ ra hơn 400 tỷ nhân dân tệ để nâng cấp lên 4G, số này có thể lên đến 2.000 nghìn tỷ nhân dân tệ nếu muốn phủ sóng 5G toàn quốc.
Theo Ding Yun, CEO của Huawei, ba vấn đề lớn của mạng 5G Trung Quốc hiện nay là giả tạo, ngu ngốc và tồi tệ. Đứng ở góc độ kinh doanh, CEO Huawei cho rằng có ba cách để các nhà mạng tối ưu hoá doanh thu khi triển khai 5G trên diện rộng. Đầu tiên là ưu tiên các mã nguồn mở, tức là thông qua các ứng dụng sáng tạo và khác biệt để đẩy mạnh tốc độ đường truyền. Mặt khác, cần giảm chi tiêu và tối ưu hoá hệ thống từ các nhà mạng khai thác 5G. Tiếp đến, thị trường cũng cần nhìn về tương lai rộng hơn để nâng cấp nền tảng càng sớm càng tốt, chuẩn bị cho những lợi ích lớn hơn mà 5G mang lại.
Theo vnexpress.net