5 cách để điện thoại cố định sống được!

04:00, 02/05/2013

Dịch vụ điện thoại cố định (ĐTCĐ) được coi là “khó có đất sống” trong bối cảnh dịch vụ điện thoại di động (ĐTDĐ) lấn lướt từ dịch vụ cho tới giá cước, thiết bị đầu cuối, cũng như các tiện ích mang lại cho người dùng.

Phóng viên Xã hội Thông tin đã phỏng vấn và thu thập ý kiến của nhiều người dùng cá nhân, doanh nghiệp và một số chuyên gia trong lĩnh vực và tổng hợp ra 5 “cửa sống” của dịch vụ điện thoại truyền thống này:

“Thâm canh sâu trên một mảnh đất”


Là cách nói của một vị lãnh đạo một tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam. Hiểu một cách rõ ràng hơn đó chính là tận dụng băng thông cố định để phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm là cơ hội cho ĐTCĐ. Tập đoàn VNPT đã đưa ra rất nhiều dịch vụ thay thế khác như ADSL hay MyTV… chạy trên đường dây cố định để “thâm canh sâu trên một mảnh đất” nhằm khai thác hiệu quả mạng lưới hạ tầng và bù đắp sự sụt giảm số lượng thuê bao dịch vụ ĐTCĐ.

Sự phát triển mạnh mẽ của đường truyền kết nối băng rộng như ADSL hay FTTx (đường truyền bằng cáp quang) có tốc độ kết nối lên đến hàng trăm Gbps, mạnh hơn nhiều lần kết nối không dây (vốn chỉ có thể đạt vài Mbps) hiện cũng đang là yếu tố thuận lợi để cố định khẳng định lại vai trò của mình.

Chính sách cước linh hoạt

Cuối năm 2012, Bộ TT&TT đã ban hành quy định nâng cước kết nối cuộc gọi từ mạng di động đến mạng cố định nội hạt từ 270 đồng/phút lên 415 đồng/phút để giải bài toán bất cập và cứu ĐTCĐ. Theo đó, cuộc gọi từ mạng di động đến mạng cố định nội hạt, cước kết nối cuộc gọi là 415 đồng/phút nếu kết nối trực tiếp vào mạng cố định nội hạt. Như vậy, mức cước kết nối này đã tăng thêm 145 đồng/phút. Được biết, trước đó, nhiều lần VNPT đã kiến nghị lên Bộ TT&TT về chính sách cước kết nối giữa di động và cố định đang gây ra bất lợi cho dịch vụ ĐTCĐ. Cụ thể, với mỗi phút kết nối từ mạng di động sang mạng cố định, nhà mạng di động chỉ phải trả cho nhà mạng cố định 270 đồng/phút. Trong khi đó, nhà mạng cố định phải trả tới 415 đồng với mỗi phút kết nối từ dịch vụ ĐTCĐ sang mạng di động.

Tuy nhiên, biện pháp nâng cước kết nối này không tác động nhiều đến việc thay đổi hiện trạng “ngắc ngoải” của ĐTCĐ. Cơ bản chính sách cước, các gói cước nhà mạng đưa ra phải linh hoạt phù hợp nhiều đối tượng khách hàng khác nhau từ cá nhân đến tổ chức, doanh nghiệp,…Thậm chí là giảm giá cước thuê bao hoặc áp dụng chính sách cước dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu.

Tăng cường truyền thông, quảng cáo, chăm sóc khách hàng


Không thể phủ nhận hình ảnh về dịch vụ ĐTCĐ trên các phương tiện truyền thông là quá ít ỏi, thậm chí là không có. Nhiều doanh nghiệp cho rằng dịch vụ không có “đất” phát triển được thì quảng cáo cũng vô ích. Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp viễn thông Việt Nam chứng minh được điều này, điển hình là VNPT Hà Nội đã thực hiện nhiều chương trình quảng cáo truyền thông cho các dịch vụ gia tăng bám trên nền cố định như: Quà tặng Trái tim, Tư vấn 1080, Hỗ trợ tin học từ xa…nên đã tạo dựng hình ảnh tốt trên thị trường.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc khách hàng cần được quan tâm hơn với những thuê bao lâu năm, doanh nghiệp có số thuê bao lớn, sử dụng nhiều dung lượng,… được chăm sóc bằng hình thức tặng quà sinh nhật, khuyến mãi, ưu đãi cước ngày thành lập, kỷ niệm công ty….. mới mong giữ được thuê bao ổn định cũng như khuyến khích người dùng mới.

Tích hợp dịch vụ trong 1 gói cước

Phát triển nhiều gói cước tích hợp dịch vụ đi kèm cũng là một cách tận dụng đường dây cố định, kết hợp đa dịch vụ trong một. Hình thức này cũng giúp người dùng không thấy phiền khi phải đăng ký cũng như thanh toán quá nhiều hóa đơn cước. Trên thị trường hiện nay , từng thời điểm đã có doanh nghiệp cũng cấp tới người dùng các gói dịch vụ dạng này như gói tích hợp ĐTCĐ + ADSL + MyTV, tuy nhiên không thường xuyên và giá cước chưa hấp dẫn.

Tận dụng các đối tượng


Khác với các hộ gia đình, môi trường công sở, doanh nghiệp là nơi phát triển khá tốt cho dịch vụ ĐTCĐ. ĐTCĐ giúp cho các nhân viên văn phòng có thể giữ liên lạc với mọi người. Nhiều hợp đồng kinh tế, hợp tác công việc cũng thường dễ thương lượng hơn khi các công ty có số thuê bao cố định làm tín. Bên cạnh đó, dịch vụ ĐTCĐ vẫn có đất phát triển theo các ngành dọc như bệnh viện, những nơi hạn chế sử dụng ĐTDĐ.

Và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ĐTCĐ hiểu rằng dù có khó, vẫn phải đưa ra những chiến lược phát triển điện thoại cố định tới người dân. Từ việc khuyến mại, giảm giá lắp đặt khi hoà mạng đến liên tục nghiên cứu, phát triển các dịch vụ tiện ích từ cố định. Và cuối cùng thì người dùng vẫn là nhân tố quyết định sự tồn tại hay biến mất của điện thoại cố định. Nó sẽ vẫn còn ở đó, trong gia đình, tại văn phòng, cho đến khi nào người ta không còn muốn sử dụng nó nữa.

P.V