AI thúc đẩy hiệu quả cho Dự án Nhiệt hạch lớn nhất Thế giới
Tại đông nam nước Pháp, 2.000 nhà khoa học và công nhân đang xây dựng lò phản ứng nhiệt hạch lớn nhất thế giới, ITER, với mục tiêu vận hành vào năm 2033. Để đảm bảo độ chính xác ở quy mô chưa từng có, trí tuệ nhân tạo đang được triển khai mạnh mẽ.
ITER (Lò phản ứng Nhiệt hạch Thử nghiệm Quốc tế) là dự án hợp tác khoa học lớn nhất thế giới về năng lượng nhiệt hạch, với sự tham gia của nhiều quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. ITER sử dụng thiết kế lò tokamak, trong đó plasma siêu nóng được duy trì và kiểm soát bằng từ trường cực mạnh, mô phỏng phản ứng nhiệt hạch diễn ra trong lõi Mặt Trời. Khi hoàn thành, ITER sẽ là hệ thống nhiệt hạch lớn nhất thế giới, đặt nền móng cho việc khai thác năng lượng sạch và gần như vô hạn trong tương lai.
Lò ITER đang trong quá trình xây dưng. Ảnh: Innovation Newsnetwork
Tuy nhiên, việc xây dựng ITER không hề đơn giản. Cấu trúc khổng lồ này bao gồm hàng triệu linh kiện chế tạo từ nhiều quốc gia, yêu cầu độ chính xác tuyệt đối. Các mối hàn ghép nối khung thép không gỉ của lò phản ứng phải chịu được điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao, nên công tác kiểm tra chất lượng vô cùng phức tạp. Trước đây, quá trình này mất hàng trăm giờ phân tích thủ công, nhưng giờ đây AI đã giúp tự động hóa, rút ngắn đáng kể thời gian mà vẫn đảm bảo độ chính xác.
Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào nhiều khâu quan trọng. Một trong số đó là kiểm tra chất lượng mối hàn bằng cách phân tích dữ liệu quét siêu âm, giúp phát hiện nhanh các khuyết điểm nhỏ nhất mà mắt thường khó nhận biết. AI còn giúp xác định vật liệu tối ưu để lót bên trong khoang phản ứng, đảm bảo khả năng chịu nhiệt và bức xạ cao nhất.
Không chỉ dừng lại ở giai đoạn xây dựng, AI còn hỗ trợ điều chỉnh hoạt động của lò tokamak bằng cách mô phỏng quá trình phản ứng trong plasma, dự đoán biến động nhiệt độ và áp suất để tối ưu hóa hiệu suất. Nhờ AI, các nhà khoa học có thể kiểm soát tốt hơn dòng plasma, hạn chế hiện tượng rò rỉ năng lượng và cải thiện độ ổn định của phản ứng nhiệt hạch.
Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, ITER không chỉ đẩy nhanh tiến độ xây dựng mà còn tạo ra những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực năng lượng nhiệt hạch. Thành công của dự án này có thể mở ra kỷ nguyên mới cho nhân loại, nơi năng lượng sạch và gần như vô tận từ nhiệt hạch có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch, giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong tương lai.