AI Việt Nam còn nhiều khó khăn và thách thức
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Long - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang vươn lên mạnh mẽ và hòa nhập với cộng đồng AI Việt Nam. Điển hình là các startup đã đưa trí tuệ nhân tạo - AI thành “lõi”, “nền tảng” trong các sản phẩm và dịch vụ của mình. Với lợi thế tuổi trẻ “không có gì để mất”, các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ đặc biệt cùng với các nhà khoa học trẻ mạnh về trí tuệ nhân tạo từ nước ngoài quay về Việt Nam đã là tiền đề để chúng ta có thể tiếp cận công nghệ và xu thế mới thành công hơn, đặc biệt trong lĩnh vực AI ở Việt Nam.
Nhưng phải nói thật: “AI tại Việt Nam – đầy khó khăn và thách thức!”
Ngày nay ta thường nghe nhiều về “artificial intelligence”, “machine learning”, “deep learning” hay “mạng neural” từ bất kì nhóm software engineers nào. Tất cả các ông lớn về công nghệ đều sẵn sàng “chi bạo” để có thể tối ưu hóa những công nghệ và đưa AI vào sản phẩm, dịch vụ của họ. Và tất nhiên không loại trừ rất nhiều software engineer trẻ cũng đang rất tích cực tham gia vào trào lưu “trí tuệ nhân tạo”.
Theo dõi các giải thưởng CNTT uy tín như Nhân tài đất Việt, Sao Khuê, Top 10 IT Vietnam, make in Vietnam… chưa thấy có hạng mục sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu mang tên Trí tuệ nhân tạo, nhưng có đặc điểm chung các sản phẩm nổi trội trong các Giải thì tất cả đều cho rằng mình là AI? Thật ra khó xác định có phải là AI thật không? Hàm lượng công nghệ AI trong Sản phẩm để thực sự nổi trội và hiệu quả thật có chính xác hay không?
Ông cho rằng, một trong những cản trở lớn nhất là thời gian và con người: phải mất một vài năm chỉ để nghiên cứu tìm hiểu, tiếp cận AI thì mới hy vọng ra được sản phẩm. Tiếp theo thiếu hụt về nhân lực - không có đủ chuyên gia giỏi được đào tạo cơ bản về AI, cụ thể hơn thiếu chuyên gia về machine learning, deeplearninh cũng như data scientists. Hơn nữa, AI tên rất “hot” nhưng còn khá mới lạ, ngay cả trên thế giới số lượng công ty chuyên về trí thông minh nhân tạo cũng không nhiều, như vậy sẽ khiến chi phí con người cho phát triển tăng rất nhiều và thị trường Việt Nam còn mới lạ chưa hẳn đã chấp nhận,như GS Thuỷ cho biết nước ta hiện có khoảng 1000 nhân lực AI có chất lượng. Theo Chương trình AI Quốc gia hy vọng trong tương lai tới các trung tâm phát triển AI từ các trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh và nguồn lực từ bên ngoài sẽ cung cấp đủ nhân lực AI cho đất nước trong đó có thêm nhiều người giỏi về trí tuệ nhân tạo AI, và giỏi sâu hơn về học máy, học sâu cùng các chuyên sâu trong khoa học dữ liệu,...
Các diễn giả tại buổi toạ đàm.
“Một vấn đề nan giải khác là ở nước ta hiện có quá ít dữ liệu và nếu có thì rất phân tán, cát cứ mặc dù chúng ta có đề cập đến dữ liệu Quốc gia dân cư, dữ liệu bản đồ số, dữ liệu doanh nghiệp,... Chúng ta cũng mơ ước có mạng xã hội Việt Nam để có thể tích tụ thông tin, câu hỏi là thực sự đã có chưa và đang ở mức độ nào? Nếu mà nói về phát triển AI thì dữ liệu phải luôn luôn đặt lên hàng đầu, tôi cũng nói thêm ứng dụng cho thương mại điện tử, xe công nghệ, logistics... thí dụ hiện nay bản đồ số cứ dùng lung tung và chủ yếu vẫn dựa vào google không trả phí. Nếu mà không có dữ liệu thì AI cũng rất là khó phát triển” ông Long chia sẻ.
Việc phát triển AI vẫn còn bất cập chưa thực sự được ủng hộ và khuyến khích tại Việt Nam. Một phần bên cạnh vấn đề thời gian và con người thì chi phí cũng là một thách thức đối với nền AI Việt Nam, vì chi phí phát triển và chi phí con người cho AI rất cao, nhất là việc trả lương cho nhân công.
Về đánh giá chung, Ông Long cho rằng: “Tuy vậy, giờ chúng ta đã bắt đầu nghiêm túc hơn về vấn đề trí thông minh nhân tạo. Chúng ta đang tích cực đẩy mạnh nhiều chương trình cho data engineering, data mining, và databases. Nhưng quan trọng nhất là đang tạo ra một cộng đồng AI và nuôi dưỡng nó. Thật may là công nghệ phát triển rất nhanh và theo nhịp đó các start-up AI bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều, càng thành công và hiệu quả hơn tại Việt nam và cũng như cơ hội vươn tầm thế giới. Các start-up AI đã dần định hướng sản phẩm của mình có khả năng giải quyết vấn đề thật cho khách hàng và thị trường là điều quan trọng nhất và coi AI chỉ là một phương tiện giúp đạt được mục tiêu tốt nhất.
Hệ sinh thái nghiên cứu & phát triển AI tại Việt Nam cũng ngày càng phong phú với các cộng đồng trong nước, nổi bật là cộng đồng AI Việt Nam với các tổ chức tiêu biểu: Câu lạc bộ khoa – trường – viện công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam FISU; CLB xử lý ngôn ngữ và tiếng nói tiếng Việt (VLSP), Cộng đồng nghiên cứu, triển khai và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI4Life; Cộng đồng chuyển đổi số – Digital Transformation; Cộng đồng Machine Learning cơ bản; Cộng đồng Google Developer; Cộng đồng Business Intelligence; Cộng đồng VietAI – trí tuệ nhân tạo Việt...
Ngoài ra, trong giai đoạn dịch bệnh bùng nổ, nhờ có công nghệ AI mà rất nhiều ứng dụng đã được ra đời để hỗ trợ cho công tác thông tin, báo cáo và công tác phòng ngừa dịch bệnh được Chính phủ ủng hộ…
Vai trò của AI đối với thế giới đang được xem là vai trò chính cho sự chuyển đổi phát triển kinh tế, còn tại Việt Nam, vai trò của AI đã được nhà nước nhận định là công cụ công nghệ sẽ tạo ra sự đột phá, là công cụ chính cần được lưu tâm phát triển để thúc đẩy phát triển kinh tế, ứng dụng hiện đại.
Tọa đàm "Hợp tác và kết nối phát triển cộng đồng AI" nằm trong chuỗi 5 tọa đàm chuyên đề cùng với các hoạt động nhằm hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 được Thủ tướng ký ban hành đầu năm 2021. Chiến lược được ban hành với hy vọng thúc đẩy sự phát triển AI tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới. Đồng hành với Bộ Khoa học và Công nghệ trong chuỗi tọa đàm này còn có Aus4Innovation là đơn vị tài trợ, Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam FISU phối hợp tổ chức và báo Vnexpress là đơn vị truyền thông chính thức. Các bạn có thể xem lại phần trình bày và thảo luận của các diễn giả, chuyên gia trên VnExpress và Fanpage VnExpress. |
Thuỳ Chi