Âm nhạc trực tuyến bùng nổ, nhạc sĩ cần giải pháp minh bạch quyền tác giả
Việc ứng dụng DRM vào kiểm soát bản quyền trên môi trường số và âm nhạc trực tuyến là công cụ không thể thiếu để chống sao chép, sử dụng tác phẩm trái trái phép.
Để tác phẩm của mình được sử dụng minh bạch trên môi trường số, các nhạc sĩ cần phải dựa vào giải pháp có khả năng bảo mật được sáng tác, đồng thời ghi nhận được chính xác số lần tác phẩm của mình trên từng hệ thống.
Trên thế giới, các công ty được nhạc sỹ ủy quyền bảo vệ tác quyền thường sử dụng giải pháp DRM được kiểm định đạt chuẩn quốc tế để bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình.
Gần đây ngành công nghiệp âm nhạc chứng kiến sự thay đổi phương thức phát hành tới công chúng từ ghi bản nhạc lên đĩa cứng, tới phát hành online, và đến nay là streaming.
Khi phương thức phân phối sản phẩm thay đổi thì cơ chế quản lý bản quyền âm nhạc, quyền sáng tạo của các nhạc sĩ nói riêng cũng cần phải thay đổi cho phù hợp.
Việc ứng dụng DRM vào kiểm soát bản quyền trên môi trường số và âm nhạc trực tuyến là công cụ không thể thiếu để chống sao chép, sử dụng tác phẩm trái trái phép.
Thị trường âm nhạc chuyển dịch từ offline tới streaming
Suốt nhiều thập kỷ, ngành giải trí âm nhạc phát triển ngành công nghiệp của mình thông qua phát hành các bản ghi trên băng từ, đĩa cứng (đĩa than), sang phát hành đĩa CD, DVD và tiến đến nghe nhạc qua các thiết bị số iPod, thẻ nhớ USB.
Theo VTV, khi Internet phát triển dịch vụ nghe nhạc trực tuyến lên ngôi, người sử dụng có thể nghe nhạc trực tuyến, tải xuống ở bất cứ thiết bị kết nối Internet nào, mà không cần mua và bảo quản đĩa nữa. Lúc này, dù thị trường đĩa nhạc bị thu hẹp cả về số lượng đĩa phát hành lẫn doanh thu. Tại Việt Nam, theo thống kê của Nielsen, năm 2017, trong 52 triệu người Việt dùng Internet thì có tới 25 triệu người nghe nhạc online, đạt tỷ lệ gần 50%.
Đến khi mạng xã hội phát triển, cùng với các dịch vụ phát trực tuyến (live stream) ra đời thì thị trường nghe nhạc trực tuyến lại có thêm một bước ngoặt lớn khi cung cấp tính năng để những đơn vị cung cấp nội dung có cơ hội chủ động phát các video ca nhạc, hay Livestreaming các chương trình biểu diễn để thu hút khán giả, mà không phải phụ thuộc vào các công ty nhạc số hay truyền hình nữa.
Khai thác bản quyền âm nhạc giữa offline và online khác nhau thế nào?
Trong một thời gian dài, ngành kinh doanh âm nhạc có doanh thu ổn định từ việc sản xuất băng đĩa. Doanh thu từ dịch vụ bán đĩa, cho thuê đĩa được phân phối cho tất cả những đối tượng tham gia vào quy trình sản xuất băng đĩa gồm: đơn vị sản xuất đĩa, nhà sản xuất nội dung, ghi đĩa, phân phối đĩa, đơn vị sở hữu tác quyền (quyền sáng tác của nhạc sĩ).
Vào thời kỳ này, các nhạc sĩ thỏa thuận về tiền tác quyền của mình với các nhà phát hành đĩa nhạc, thường là nhạc sĩ chỉ được chi trả một phần rất nhỏ trong tổng doanh thu. Do đó việc quản lý bản quyền và chi trả bản quyền được giao cho nhà sản xuất băng đĩa, phương thức phân chia cũng do các đơn vị này quyết định.
Quyền tác giả âm nhạc được quản lý, phân phối doanh thu tương tự như quản lý bản quyền xuất bản sách. Tiền tác quyền có thể được các công ty sản xuất đĩa nhạc chi trả trọn gói, hoặc tính theo phần trăm trên doanh thu bán đĩa. Các nhạc sĩ thường không nhận được sự rõ ràng, minh bạch về số tiền thu được từ bán đĩa của các công ty sản xuất, tiền bản quyền thường được chi trả theo gói, với một tỷ lệ rất nhỏ.
Tuy nhiên, vào thời kỳ mà băng đĩa chiếm lĩnh thị trường giải trí thì tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra khá nghiêm trọng. Đĩa lậu tồn tại trên thị trường không chỉ gây thiệt hại rất lớn cho ngành kinh doanh âm nhạc, mà còn gây thiệt hại cho cả giới nhạc sĩ. Đối với những đĩa được in lậu thì các nhạc sĩ không thu được một đồng nào tiền tác quyền, cho dù không khó khăn để phát hiện băng đĩa lậu bán trên thị trường.
Đến giai đoạn âm nhạc được một số công ty cung cấp lên môi trường trực tuyến mở đầu cho trào lưu nghe nhạc online. Từ khoảng năm 2008 tới nay, các công ty băng đĩa ngày càng bị thu hẹp thị phần, nhường chỗ cho dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Ban đầu, hầu hết các trang nghe nhạc trực tuyến đều sử dụng "chùa" các tác phẩm âm nhạc. Tình trạng này kéo dài nhiều năm làm ngành công nghiệp âm nhạc bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng, khiến cho nhiều người cho rằng ngành âm nhạc có thể bị suy tàn, hoặc sụp đổ.
Điểm khác biệt lớn nhất của loại hình kinh doanh âm nhạc trực tuyến so với kinh doanh băng đĩa, đó là một số khâu trong sản xuất đĩa (ghi đĩa) và phân phối dịch vụ (bài hát, hay bản nhạc) không còn tồn tại nữa bởi tính không biên giới trong lưu trữ và phân phối online. Tham gia vào chuỗi kinh doanh gần như chỉ còn có khâu sản xuất nội dung, và phân phối nội dung trực tuyến.
Một điều quan trọng nữa là, trên nền tảng âm nhạc trực tuyến, người sử dụng sẽ khó phân biệt được đâu là tác phẩm có bản quyền, đâu là tác phẩm lậu (vi phạm bản quyền). Khâu phân phối vật lý cũng không còn, nên việc kiểm soát nguồn doanh thu của sản phẩm, hàng hóa theo phương thức cũ cũng khó có thể áp dụng.
Công cụ DRM có thể kiểm soát việc sử dụng âm nhạc trên môi trường số
Trong kỷ nguyên số hóa, bản quyền âm nhạc nói riêng và bản quyền sáng tạo các tác phẩm nói chung trở thành một tài sản mang giá trị trọn đời. Đó không còn là câu chuyện bán ra một chiếc đĩa CD, hay tải về một bản nhạc trên các trang trực tuyến. Mà vấn đề lớn hơn là việc xuất bản tác phẩm và sử dụng tác phẩm phải được kiểm soát, bản quyền của bản nhạc trên môi trường số phải được bảo vệ. Đây cũng là điều mà những nhạc sĩ, nghệ sĩ những người làm âm nhạc Việt Nam mong mỏi bấy lâu nay.
Để minh bạch hóa việc sử dụng nội dung trên môi trường số, các công ty cung cấp nội dung thường tích hợp những công cụ để kiểm soát bản quyền nội dung số (DRM). Ví dụ, YouTube có công cụ kiểm soát bản quyền theo luật riêng của YouTube, Facebook phát triển giải pháp riêng để kiểm soát những nội dung cần được bảo vệ bản quyền trên Facebook.
Việc ứng dụng DRM vào kiểm soát bản quyền trên môi trường số nói chung và âm nhạc trực tuyến nói riêng là công cụ không thể thiếu để chống sao chép, sử dụng tác phẩm trái phép. Bên cạnh đó, công cụ DRM cho phép đo đếm số lần sử dụng, tải xuống một cách rõ ràng và minh bạch. Từ đó giúp các nhà sở hữu tác phẩm nắm rõ được số liệu về lượt sử dụng, giúp họ hiểu rõ được tác phẩm của mình được sử dụng trên những nền tảng nào, Fan của mình là ai, đến từ đâu, để từ đó hiểu được thị hiếu âm nhạc và có kế hoạch phát triển các tác phẩm mới của mình.
Sự bùng nổ của thị trường nhạc số, cùng với xu hướng phát trực tuyến đã giúp không ít nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu trong chớp mắt, khi mà bài hát hay album của họ đạt triệu views trong vài ngày, mang lại cho họ khoản doanh thu lâu dài. Song đây cũng là những thử thách rất lớn cho các nhạc sĩ nếu như tác phẩm âm nhạc của họ không có được một "chìa khóa" bảo vệ bản quyền hữu hiệu. Để bảo vệ tác phẩm của mình cách tốt nhất là các nhạc sĩ cần phải dựa vào một công ty công nghệ sở hữu giải pháp DRM đạt chuẩn quốc tế để bảo vệ bản quyền của mình.
Chỉ khi nào bản quyền âm nhạc được bảo vệ trên môi trường trực tuyến thì việc sử dụng tác phẩm không cần trả phí do vi phạm bản quyền tràn lan mới được kiểm soát, giá trị sáng tạo của các nhạc sỹ mới được ghi nhận rõ ràng đồng thời là cơ sở để tạo ra một hệ sinh thái âm nhạc lành mạnh.
Kiều My/TH