An Giang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số

07:40, 29/03/2024

Hướng đến phát triển toàn diện về mọi mặt của đời sống, An Giang đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực, hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp (DN) và cuộc sống người dân, nhằm góp phần khai thác hiệu quả thành tựu công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh An Giang, năm 2023, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện nghị quyết, chương trình chuyển đổi số, đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao sức cạnh tranh của DN và đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân. Tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, thế mạnh của tỉnh về nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch. Kết quả, chương trình chuyển đổi số tỉnh đã thực hiện 11/15 chỉ tiêu đề ra, đạt 73,3%; nghị quyết chuyển đổi số tỉnh đã thực hiện 9/22 chỉ tiêu, đạt 40,9%.

Cụ thể, tỉnh đã thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến tận cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội. Thành lập 887 tổ công nghệ số cộng đồng tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố với 6.517 thành viên. Tổ chức tập huấn và hướng dẫn cài đặt, sử dụng các nền tảng số: Tạo tài khoản cá nhân trên cổng dịch vụ công, VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt (VNPT Pay, Viettel Money...), sổ sức khỏe điện tử, bảo hiểm xã hội (VssID)...

Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trong tỉnh; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân; 100% các khu công nghiệp, DN, trường học, bệnh viện có kết nối Internet phục vụ công tác quản lý, điều hành; 100% cơ quan nhà nước của tỉnh có mạng cục bộ (LAN) và được kết nối Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và nhà nước.

Toàn tỉnh An Giang có 2.160 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS); 2.471.745 thuê bao điện thoại di động; 439.758 thuê bao băng rộng cố định; tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng smartphone đạt 66,2%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định đạt 78,91%; tỷ lệ phủ rộng mạng băng rộng cố định, tỷ lệ phủ sóng 3G/4G đạt 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đang khuyến khích các DN đăng ký với tập đoàn/tổng công ty triển khai 5G tại An Giang.

Triển lãm và hội thảo chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2023. 

Bên cạnh đó, Cổng dữ liệu mở tỉnh An Giang được vận hành tại địa chỉ https://opendata.angiang.gov.vn/, có 179/188 cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và xã cung cấp dữ liệu mở, đạt 94,2%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cung cấp đầy đủ thông tin TTHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 19/11/2023, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cung cấp 2.003 dịch vụ hành chính công. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn đạt tỷ lệ 97%.

Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100%; tỷ lệ báo cáo của cơ quan nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 100%. Đã thực hiện đồng bộ, tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tiếp tục vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh và tiếp nhận phản ánh kiến nghị người dân.

Ngoài ra, có 10/10 bệnh viện công lập và tư nhân, 5/11 trung tâm y tế sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí và các giao dịch khác (chuyển khoản, POS). Đến nay, có 1.716.529 người có tài khoản giao dịch qua ngân hàng và có 143.622 ví điện tử được phát triển trên địa bàn tỉnh. Kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt 42,26%, hoàn thành chỉ tiêu 30% tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử. Đẩy mạnh hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân thực hiện khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, tra cứu nghĩa vụ thuế, đăng ký thuế... bằng phương thức điện tử trên hệ thống dịch vụ thuế điện tử (eTax, eTax Mobile), giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Tại hội nghị tổng kết chuyển đổi số năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua về công tác chuyển đổi số tỉnh. Đồng thời, đề nghị thủ trưởng các sở, ngành, địa phương tiếp tục duy trì quyết tâm chính trị cao trong công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công trong công tác chuyển đổi số tại cơ quan, địa phương năm 2024. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh và cấp thẩm quyền để chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và “điểm nghẽn” trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.

Tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ theo Chương trình 553/Ctr-UBND, Nghị quyết 01-NQ/TU, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương; đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phấn đấu chỉ tiêu tỷ lệ cơ quan nhà nước hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 90%; thực hiện đạt các chỉ tiêu về cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến; kinh tế số đạt từ 8 - 9% GRDP. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh; đảm bảo tắt sóng 2G và triển khai 5G theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Triển khai đầy đủ nhiệm vụ, phương án về an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin; bảo đảm 100% hệ thống thông tin phải được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin. Ưu tiên các nguồn lực cho chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án về chuyển đổi số, nhất là dự án về cải cách hành chính, Đề án 06/CP của Chính phủ và Khu công nghệ thông tin tập trung… 

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông

(https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/163170/An-Giang-tiep-tuc-day-manh-chuyen-doi-so.html)