An tâm mua sắm trong thời đại 4.0
Trước những vấn nạn như hàng giả, hàng nhái, hàng lưu thông không có nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc được xem như một giải pháp để giải quyết vấn nạn trên và thực sự truy xuất nguồn gốc đang trở thành vấn đề nóng được quan tâm trên toàn cầu.
Sáng ngày 23/5 tại Công viên Bách Thảo, Hà Nội, CLB Phụ nữ với Tiêu dùng (thuộc Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo "Bán lẻ Việt Nam trong và hậu đại dịch Covid 19" lồng ghép trong kỳ sinh hoạt thứ 65 của CLB.
Tham dự Hội thảo có Ts. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam; bà Lê Thị Minh Hằng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bán hàng và chăm sóc khách hàng trực thuộc Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và bà Nguyễn thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng HN.
Bên cạnh đó, còn có sự góp mặt của các hội viên CLB cùng một số khách mời là Lãnh đạo doanh nghiệp bán lẻ, nhà sản xuất, chuyên gia nghiên cứu... cùng đại diện nhiều cơ quan truyền thông báo chí.
Ts. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.
Thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động đến đời sống xã hội và nền kinh tế, trong đó, ngành bán lẻ cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, chủ yếu do tổng cầu giảm. Tuy nhiên, có điểm tích cực là thay vì đi mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, người tiêu dùng có xu hướng gia tăng sử dụng thương mại điện tử do ưu điểm không phải đến nơi đông người, hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng, tiện lợi.
Theo báo cáo đánh giá về tác động, thiệt hại với doanh nghiệp bán lẻ do Bộ Công Thương công bố mới đây cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến tình hình kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp phân phối.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 3 tháng đầu năm ước đạt 1.246 tỷ đồng, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Tính riêng trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 – 2020.
Sức mua giảm sút khiến toàn ngành bán lẻ lao đao. Nhiều siêu thị lớn cũng trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, khi có thời điểm doanh thu giảm đến 50%.
Cơ cấu tiêu dùng cũng có sự thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng mua sắm hàng hóa thiết yếu (thực phẩm, lương thực), dược phẩm (thuốc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe), các dịch vụ giải trí tại nhà (truyền hình số, game online…). Về tổng thể, doanh thu bán lẻ tăng nhẹ 4,7% (tăng 1,6% nếu loại trừ yếu tố giá, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,3% trong quý 1/2019).
Chính vì vậy, cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ giảm rất mạnh (-41%) so với đầu năm và số doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ tạm ngừng hoạt động tăng 21% trong quý 1/2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Toàn cảnh hội thảo.
Cùng với đó, do dịch bệnh bùng phát, một số lĩnh vực người lao động phải nghỉ làm việc nên nhiều gia đình cũng thắt chặt chi tiêu, ít đi mua sắm hơn, điều này tác động nhiều đến doanh thu của ngành bán lẻ.
Trước đấy, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc tiết kiệm chi tiêu của các gia đình là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là bài toán đặt ra với các doanh nghiệp trong việc chủ động nắm bắt tâm lý tiêu dùng; điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với các biến động của thị trường để thích ứng, duy trì hoạt động và vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Phát biểu tại hội thảo, Bà Lê Thị Minh Hằng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bán hàng và chăm sóc khách hàng trực thuộc Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng khuyên người tiêu dùng nên sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa logisics và phần mềm truy xuất nguồn gốc hành hóa để có được những thông tin chi tiết về sản phẩm. Với ứng dụng này người tiêu dùng có thể có thêm nhiều thông tin về sản phẩm mình mua sắm và hạn chế nạn mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Công nghệ truy xuất nguồn gốc khiến cho mọi dữ liệu liên quan đến quá trình tạo ra thành phẩm đều được công khai minh bạch.
Trong khuôn khổ kỳ sinh hoạt CLB lần này còn có hàng chục DN, nhà sản xuất tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm các loại như nông sản thực phẩm sạch, các loại trái cây, sữa, mật ong, cà phê, các sản phẩm hóa mỹ phẩm làm từ thảo mộc, các sản phẩm từ mây tre, quần áo...
"Câu lạc bộ Phụ nữ với Tiêu dùng" (CLB) trực thuộc Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam là một tổ chức quần chúng, cộng đồng cùng sở thích của những người tiêu dùng là nữ, có tâm huyết, nhiệt tình, quan tâm tới lĩnh vực tiêu dùng, tự nguyện tham gia và chấp hành Quy chế hoạt động của Câu lạc bộ.
CLB là nơi trao đổi kinh nghiệm về tiêu dùng, giao lưu giữa sản xuất - lưu thông phân phối và tiêu dùng, là diến đàn kết nối các nhà sản xuất - nhà bán lẻ và người tiêu dùng, đồng thời cung cấp thông tin - kiến thức về sản phẩm - hàng hoá và hệ thống phân phối bán lẻ trên thị trường để hội viên CLB có nhận thức trong lựa chọn, mua sắm hợp lý - khoa học - hiệu quả - lành mạnh. Câu lạc bộ Phụ nữ với Tiêu dùng tổ chức sinh hoạt định kỳ hai tháng/lần.
Thanh Tùng