Anh triệt phá băng nhóm tội phạm qua hệ thống bảo mật điện thoại
Đây là chiến dịch quy mô và thành công nhất từng được lực lượng cảnh sát Anh thực hiện.
Gần 2 giờ sáng tại một địa điểm ở thủ đô London (Anh), khung cảnh tĩnh mịch bị phá vỡ bằng loạt tiếng nổ đinh tai của lựu đạn gây choáng. Hàng chục cảnh sát vũ trang hạng nặng đột kích vào căn nhà được cho là nơi ẩn náu của những kẻ cầm đầu đường dây tội phạm nguy hiểm.
Đây chỉ là một trong số hàng chục vụ bắt giữ nhằm vào các tổ chức tội phạm được cảnh sát Anh thực hiện thời gian vừa qua.
Lực lượng chức năng đã bắt 746 đối tượng, thu giữ lượng lớn ma túy, vũ khí và khoảng 54 triệu bảng tiền mặt - lượng tiền mặt lớn nhất từng bị thu giữ trong một vụ truy quét tội phạm tại Anh.
"Đây không phải là vụ bắt giữ những kẻ trộm vặt. Chuyên án này nhắm tới những tên đầu sỏ, nguy hiểm nhất, thậm chí được coi là không thể động tới. Chúng tôi truy quét toàn bộ mạng lưới , thu giữ tiền và bắt hàng trăm đối tượng. Chiến dịch ở quy mô lớn chưa từng có" - bà Cressida Dick - Giám đốc Sở Cảnh sát thành phố London, Anh - chia sẻ.
Một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của chiến dịch chính là cảnh sát đã xâm nhập được vào hệ thống mạng bảo mật cực kỳ tinh vi, thông qua những chiếc smartphone đã được mã hóa của các nhóm tội phạm. Cảnh sát châu Âu và cảnh sát Anh đã xâm nhập được vào mạng lưới điện thoại được mã hóa có tên Encrochat.
Encrochat là smartphone có hai hệ điệu hành. Một hệ điều hành hoạt động như hệ điều hành điện thoại bình thường. Hệ điều hành thứ hai có tính bảo mật cao, kích hoạt khi khởi động lại bằng nút bấm đặc biệt.
Tính năng định vị GPS, camera và micro thu tiếng mặc định ở chế độ tắt để đảm bảo không bị nghe trộm. Hai điện thoại Encrochat liên lạc với nhau bằng cơ chế mã hóa phức tạp, rất khó để cơ quan chức năng can thiệp.
Người dùng theo cơ chế thuê bao, với mức phí 3.000 Bảng, tương đương khoảng 87 triệu đồng/1 năm. Thiết bị này rất phổ biến trong giới tội phạm.
Bà Nikki Holland - Giám đốc điều tra, Cơ quan chống tội phạm quốc gia Anh - cho biết: "Xâm nhập được vào hệ thống này là bước ngoặt quan trọng, sẽ dẫn tới nhiều vụ bắt giữ hơn nữa trong thời gian tới. Tội phạm không thể còn có thể ẩn danh. Cảnh sát sẽ truy bắt cho dù chúng có lẩn trốn trên không gian mạng hay ngoài xã hội".
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin an ninh cho biết, nền tảng liên lạc mã hóa là kênh giao tiếp chủ yếu của các băng nhóm tội phạm nguy hiểm. Có nền tảng quy mô lớn lên tới 60 nghìn người dùng trên toàn thế giới. Cơ quan an ninh châu Âu xâm nhập được vào hệ thống, tạo thuận lợi cho quá trình theo dõi, truy quét các băng nhóm nguy hiểm này.
Minh Anh (T/h)