Áp dụng công nghệ nâng tầm “vị tỏi đen” Tuyên Quang
Vị tỏi đang trở thành hương sắc đặc trưng của vùng Sơn Dương, Tuyên Quang, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân. Thành công ấy có công lao không nhỏ của ông Nguyễn Ngọc Thu ở xã Tú Thịnh đã bỏ công sức, mày mò tìm hiểu trên internet, đầu tư móc máy hiện đại để làm ra sản phẩm tỏi đen có giá trị cao gấp nhiều lần so với tỏi thường, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Sản phẩm tỏi đen Minh Phát đã được cấp mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc.
Trăn trở với tỏi đen
Đến thôn Tú Tạc, xã Tú Thịnh (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) hỏi nơi làm tỏi đen, ai cũng xuýt xoa: "Tỏi đen à, ở nơi này chỉ có duy nhất một cơ sở làm thôi, mùi thơm lừng". Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến cơ sở tỏi đen của ông Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Minh Phát. Gặp ông, chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí vượt khó của người thương binh hạng 2/4 chỉ còn một chân này.
Người đàn ông nhỏ nhắn, đôi mắt tinh anh, nhanh nhẹn rất vui vì sau bao gian khó đến nay ông đã thu được quả ngọt. Để thương hiệu tỏi đen Minh Phát được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến như ngày hôm nay, ông Thu đã phải trải qua không ít thăng trầm. Ông Thu kể, trong một trận chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) chân phải và 4 ngón tay của ông bị mảnh đạn pháo của địch cắt cụt. Năm 1989, ông xuất ngũ, trở về quê hương và lập gia đình. Cuộc sống khi đó chồng chất khó khăn. Không vốn liếng, làm giàu từ hai bàn tay trắng đã khó, ông còn bị mất một chân.
Năm 2016, cây tỏi được người dân các thôn Đa Năng, Tú Tạc bắt đầu trồng với hơn 1 ha. Nhận thấy cây tỏi thu lãi gấp 2 - 3 lần so với cây ngô, cây sắn, ông Thu và người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng. Thế nhưng, khi diện tích được mở rộng thì cây tỏi lại rơi vào cảnh không có thị trường tiêu thụ và giá bán thấp, chỉ từ 10.000 - 30.000 đồng/kg. Ông Thu nhớ lại, thời điểm đó, tỏi đen thị trường có giá khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg, vì tỏi rất tốt cho hệ tim mạch, điều hòa đường huyết, giảm mỡ máu, đặc biệt tỏi đen có công dụng tốt gấp 10 lần tỏi tươi. “Quê mình có sẵn vùng nguyên liệu tỏi, tại sao không thử làm" - ông Thu trăn trở. Ông bắt đầu vào internet tìm hiểu về cách làm, quy trình kỹ thuật làm ra tỏi đen. Rồi ông tìm đến các cơ sở sản xuất tỏi đen ở Hưng Yên, Sơn La, Hải Dương… để học nghề.
Cuối năm 2019, Phòng Nông nghiệp huyện Sơn Dương phối hợp với Công ty Việt Nhật hỗ trợ máy móc cho người dân để sản xuất sản phẩm tỏi đen. Nắm bắt cơ hội đó, ông Thu đã đăng ký thành lập Tổ hợp tác tỏi đen với 5 thành viên.
Những ngày đầu sản xuất, ông Thu chưa có kinh nghiệm về kiểm soát nhiệt độ, canh thời gian để đảo tỏi, giúp tỏi lên men đều, lên men tự nhiên. Những mẻ tỏi thành phẩm đầu tiên khô khốc, đắng ngắt thay vì ngọt dẻo. Lượng tỏi đổ bỏ lên tới cả tạ vì ủ hỏng, hơn 70 triệu tiền vốn đổ vào tỏi cũng mất trắng. “Mỗi lần ủ không thành công là một lần ném bỏ chi phí nguyên liệu, công sức cả tháng chăm bẵm. Nhìn những củ tỏi thành phẩm se cứng lại vì đảo không đều, vừa xót công, vừa xót của, nhiều người khi ấy nói tôi là gã dở hơi, ném tiền qua cửa sổ” - ông Thu tâm sự.
Không nản lòng, ông xác định đó là học phí nghề. Ông Thu lại tiếp tục khăn gói về cơ sở sản xuất tỏi đen quy mô lớn ở Hà Nội vừa làm, vừa học hỏi thêm kỹ thuật, kinh nghiệm làm tỏi đen. Hơn 1 tháng được bắt tay vào quy trình sản xuất tỏi đen bằng các loại máy công suất lớn, ông nhận ra rằng, để làm được một mẻ tỏi đen, quá trình không hề đơn giản, thậm chí rất công phu, đòi hỏi phải kỹ từ khâu chọn nguyên liệu. Sau khi trở về, ông đã đến các hộ gia đình trồng tỏi trong xã để khảo sát và nhập tỏi rồi tiến hành phơi nắng, vệ sinh, làm sạch rồi mới cho vào máy để tỏi lên men tự nhiên ở điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn. Hàng ngày, ông phải trực máy điều chỉnh nhiệt độ theo giờ phù hợp với thời tiết ngoài trời. Sau thời gian sấy từ 23 - 27 ngày, mùi vị của tỏi đã thay đổi, có vị ngọt thanh như ô mai, không còn mùi hăng cay của tỏi tươi, khi đó sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn.
Sau nhiều lần thất bại, cuối năm 2020, ông Thu và các thành viên trong Tổ hợp tác tỏi đen đã cho ra được mẻ tỏi lên men thành công. Rồi ông hoàn tất các thủ tục để tỏi đen được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện công nhận đạt chuẩn an toàn thực phẩm vào tháng 8/2021.
Đưa tỏi vươn xa
Sau khi thành công với sản phẩm tỏi đen, ông Thu đã cùng 11 cộng sự thành lập Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Minh Phát. Ngoài liên kết thu mua tỏi cho các hộ thành viên, ông Thu còn hợp tác với các hộ dân trồng tỏi ở xã.
Mỗi tuần 2 lần ông đều đặn lái chiếc xe quen thuộc đến tận các hộ trồng tỏi để nắm bắt tình hình sản xuất, hướng dẫn cách phơi nắng, vệ sinh, làm sạch để tỏi bảo quản được lâu. “Mỗi lần bác Thu đến là bà con lại có việc để làm. Từ khi tham gia hợp tác xã, gia đình bà không còn lo đầu ra nữa. Mỗi năm 2 sào tỏi bà thu được hơn 5 tạ tỏi khô, với giá bán 40 - 50.000 đồng/kg, thu lãi hơn 10 triệu đồng/vụ” - bà Nguyễn Thị Minh Hoa, thôn Hưng Thịnh, xã Tú Thịnh vừa thoăn thoắt phơi tỏi vừa chia sẻ.
Ông Thu đã đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ để làm ra sản phẩm tỏi đen đạt chất lượng cao.
Dù mới hoạt động được 1/2 công suất, nhưng mỗi tháng Hợp tác xã đã sản xuất được hơn 23kg tỏi đen, tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên trong hợp tác xã. Doanh thu trung bình mỗi năm hơn 400 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm tỏi đen Minh Phát đã khẳng định được chất lượng, giá bán 700.000 đồng/kg, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Sản phẩm đã được bao tiêu với các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn trong tỉnh và tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, sản phẩm tỏi đen Minh Phát đã được cấp mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm. Đây cũng là sản phẩm được xã Tú Thịnh xây dựng đạt chuẩn OCOP 3 sao trong thời gian tới.
Nói về kế hoạch phát triển sản phẩm trong tương lai, ông Thu chia sẻ, thời gian tới, ông sẽ khuyến khích, hỗ trợ người dân ở địa phương trồng tỏi để xây dựng vùng nguyên liệu; đầu tư máy móc hiện đại, công suất lớn để mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.
Theo Tạp chí in số tháng 4+5+6/2023