Apple và Google: Cấm sử dụng định vị GPS trong ứng dụng theo dõi tiếp xúc

Thanh Tùng 15:08, 05/05/2020

Apple và Google tuyên bố sẽ cấm sử dụng định vị GPS trong các ứng dụng sử dụng hệ thống theo dõi tiếp xúc do chính Apple và Google phát triển nhằm hỗ trợ ngăn chặn đà lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hai tập đoàn mà các hệ điều hành chiếm tới 99% smartphone trên thế giới này nhấn mạnh quyền riêng tư và việc không để dữ liệu của người dùng bị thu thập là "mục tiêu hàng đầu".

Tháng trước, Apple và Google tuyên bố sẽ hợp tác với nhau để tạo ra một nền tảng thông báo cho người dùng biết họ có tiếp xúc gần người dương tính với SARS-CoV-2 hay không. Tuy nhiên, 2 hãng chỉ cho phép các cơ quan y tế công sử dụng công nghệ này.

Cả hai tập đoàn đều khẳng định đảm bảo quyền riêng tư và ngăn Chính phủ sử dụng hệ thống để thu thập dữ liệu về công dân. Hệ thống sẽ sử dụng tín hiệu Bluetooth từ điện thoại để phát hiện tiếp xúc gần và không sử dụng hoặc lưu trữ dữ liệu định vị GPS.

TTXVN cho biết, người dùng có thể kiểm soát dữ liệu của chính mình và công nghệ này sẽ được xóa bỏ khi đại dịch COVID-19 bị đẩy lùi. Giới chức y tế và chính phủ có quyền truy cập công nghệ theo dõi tiếp xúc nhưng chỉ được quyền truy cập dữ liệu khi người dùng đồng ý chia sẻ.

Apple, Google tỏ ra rất cứng rắn trong vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân với nền tảng theo tiếp xúc gần COVID-19.

Tuy nhiên, các nhà phát triển ở một số bang của Mỹ đang chế tạo những ứng dụng smartphone giúp ngăn ngừa đại dịch COVID-19 lại cho rằng họ rất cần được phép sử dụng dữ liệu định vị GPS cùng với hệ thống theo dõi tiếp xúc mới để có thể xác định hướng lây lan lẫn những điểm nóng của dịch bệnh.

Quyết định không cho phép việc thu thập dữ liệu định vị của Apple và Google sẽ khiến giới chức y tế công cộng có mong muốn tiếp cận định vị GPS phải dựa vào giải pháp không ổn định là xác định tiếp xúc thông qua cảm biến Bluetooth. Những thay thế này sẽ có thể bỏ lỡ một số tiếp xúc do các thiết bị cài đặt hệ điều hành iOS và Android ngắt kết nối Bluetooth sau một khoảng thời gian để tiết kiệm pin và một số nguyên nhân khác nếu người dùng không bật lại Bluetooth.  

Apple và Google cũng cho biết thêm họ sẽ chỉ cho phép mỗi quốc gia sử dụng một ứng dụng để kích hoạt hệ thống theo dõi tiếp xúc, qua đó tránh việc áp dụng rời rạc và khuyến khích cài đặt rộng rãi công nghệ này.

Trước đó, các chuyên gia bảo mật đã cảnh báo rằng bất kỳ sự cố rò rỉ dữ liệu định vị liên quan đến các vấn đề sức khỏe đều có thể khiến doanh nghiệp và cá nhân dễ bị tẩy chay.

Mới đây, ngày 4/5, Google và Apple cho biết sẽ cấm sử dụng theo dõi định vị GPS trong các ứng dụng mới mà hai tập đoàn này đang xây dựng để giúp làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, các công ty phát triển ứng dụng bên thứ ba cùng nhiều cơ quan y tế cũng tuyên bố họ không có kế hoạch sử dụng hệ thống của Apple và Google.

Thanh Tùng