Apple và Google công bố thêm thông tin về ứng dụng “theo dõi tiếp xúc”

Thùy Chi 14:14, 26/04/2020

Apple và Google hiện đang áp dụng một số biện pháp tăng cường bảo mật cho công cụ theo dõi liên hệ, sao cho vừa kiểm soát dịch COVID-19 vừa không xâm phạm tính riêng tư của người dùng .

Techsignin thông tin, tính đến hiện tại, đại dịch COVID-19 đã giết chết gần 200.000 người và lây nhiễm hơn 2,7 triệu người trên khắp thế giới. Trong lúc nhiều chính phủ và doanh nghiệp trên toàn cầu đang chiến đấu với dịch bệnh, Apple và Google cũng chung tay phát triển hệ thống theo dõi liên hệ để hỗ trợ cộng đồng kiểm soát dịch COVID-19 tốt hơn.

Hai công ty đã bắt tay nhau triển khai công nghệ theo dõi liên lạchơn 1 tháng, với kỳ vọng giúp mọi người nhận được cảnh báo nếu chẳng may tiếp xúc với người dương tính với virus Corona. Khi bắt đầu dự án, CEO của Apple và Google đều hứa hẹn công nghệ này sẽ được đảm bảo những vấn đều riêng tư.

Dù hai bên liên tục khẳng định sự ưu tiên hàng đầu khi phát triển hệ thống theo dõi liên hệ là bảo mật thông tin nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, lo ngại công cụ này bị lạm dụng để can thiệp sâu vào dữ liệu cá nhân người dùng.

Để hạn chế mối lo, Apple và Google cho biết người dùng được quyền chọn kích hoạt tính năng theo dõi liên hệ hoặc không. Hai hãng sẽ cung cấp công cụ lập trình cho các nhà phát triển từ giữa tháng Năm. Thông qua đó, các cơ quan y tế có thể xây dựng hoặc nâng cấp ứng dụng. Cuối năm nay, Apple và Google có kế hoạch cung cấp bản cập nhật phần mềm cho hơn 2 tỷ thiết bị hoạt động trên toàn thế giới.

Đại diện Apple và Google cho biết: “Mỗi người dùng có thể đưa ra lựa chọn của riêng mình cho công nghệ theo dõi tiếp xúc. Công nghệ này cũng có thể bị dừng bởi người dùng vào bất cứ lúc nào.

Chúng tôi muốn khẳng định hệ thống sử dụng công nghệ này không thu thập dữ liệu về vị trí từ thiết bị của người dùng và không chia sẻ các danh tính của người dùng cho các bên khác, kể cả là với Apple hay Google. Người dùng có toàn bộ quyền về việc muốn chia sẻ dữ liệu nào của họ”.

Theo Financial Times, hai tập đoàn công nghệ của Mỹ cũng khẳng định “các thông báo về tiếp xúc sẽ được lưu trữ và thực hiện qua hệ thống”, thay vì trên hệ thống máy chủ của chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ chỉ được quyền truy cập vào thông tin khi được người dùng đồng ý chia sẻ. Ngoài ra, giới chức y tế có quyền truy cập công nghệ “theo dõi tiếp xúc” này nhưng bất cứ ứng dụng nào “cũng cần phải có tiêu chuẩn về quyền cá nhân, bảo mật và kiểm soát dữ liệu”.

Thời gian qua, các ứng dụng trên điện thoại di động và công nghệ khác được sử dụng rộng rãi tại các quốc gia châu Á như Singapore và Hàn Quốc để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia phương Tây, việc triển khai những ứng dụng này vẫn còn đang được cân nhắc.

Thông báo mới nhất của Apple và Google được đưa ra trong thời điểm có nhiều tranh luận về quyền riêng tư liên quan đến công nghệ “theo dõi tiếp xúc này”. Thông báo cũng khẳng định công nghệ này sẽ được xóa bỏ khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Tháng trước, Google vừa cam kết hỗ trợ hơn 800 triệu USD cho một số cơ quan, doanh nghiệp nhỏ ứng phó với khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra. Apple và Google cũng đang triển khai sản xuất và phân phối thiết bị bảo hộ để chăm sóc sức khỏe nhân viên, CNET cho biết.

Thùy Chi (T/h)