Apple và Google hợp tác phát triển theo dõi tiếp xúc

Thùy Chi 13:04, 12/04/2020

Apple và Google đang hợp tác tạo ra nền tảng theo dõi giúp đẩy lùi sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Ngày 10/4, Apple và Google tuyên bố hợp tác phát triển nền tảng theo dõi tiếp xúc phục vụ kiểm soát đại dịch Covid-19. Đây là động thái chưa từng có của 2 công ty vốn luôn cạnh tranh gay gắt với nhau từ trước đến nay.

Công nghệ được xem là nhân tố quan trọng giúp việc theo dõi, kiểm soát virus trở nên dễ dàng hơn. Dự án là nỗ lực mới nhất của Apple và Google nhằm ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch.

Apple và Google cam kết danh tính, vị trí người dùng được bảo mật với nền tảng theo dõi tiếp xúc mới

Theo dõi tiếp xúc hoạt động như thế nào?

Có tên Contact Tracing (theo dõi tiếp xúc), nền tảng của Apple và Google được xây dựng nhằm mục đích xác định những người mắc Covid-19 từng tiếp xúc với ai thông qua ứng dụng phê duyệt bởi các tổ chức y tế.

Theo đó, nền tảng sử dụng kết nối Bluetooth tầm ngắn để thiết lập mạng lưới theo dõi các thiết bị smartphone gần nhau, dữ liệu sẽ tích hợp trong ứng dụng được tổ chức y tế phê duyệt. Khi nhiễm Covid-19, người dùng có thể báo cáo để ứng dụng cảnh báo những người khác nếu từng tiếp xúc gần với đối tượng nhiễm bệnh.

Đến giữa tháng 5, Apple và Google sẽ phát hành API giúp các cơ quan y tế triển khai ứng dụng tích hợp nền tảng mới. Trong thời gian đầu, mọi người cần tải về ứng dụng nhưng sau đó, Apple và Google sẽ mở rộng nền tảng, tích hợp tính năng theo dõi lên iOS và Android giúp người dùng tiếp cận một cách dễ dàng.

Từng có vài dự án tương tự do các cơ quan nghiên cứu phát triển, tuy nhiên với việc xây dựng trên cấp độ hệ điều hành, nền tảng theo dõi của Apple và Google sẽ hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm pin hơn. Quan trọng nhất, những thiết bị iOS và Android có thể tương tác lẫn nhau, một điều hiếm khi xuất hiện.

Lo lắng quyền riêng tư, bảo mật thông tin

Tuy nhiên, nền tảng cũng dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư và hiệu quả. Một số chuyên gia lo rằng nó có thể sử dụng như một công cụ giám sát sau khi dịch kết thúc. Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nói bóng gió về quyền riêng tư khi được hỏi về nền tảng này.

"Nó rất mới, rất thú vị nhưng nhiều người lo lắng về quyền riêng tư. Chúng ta phải xem xét công nghệ này", ông Trump phát biểu.

Apple và Google cho biết quyền riêng tư của người dùng được đặt lên hàng đầu. Những thông tin thu thập sẽ được công bố minh bạch, và người dùng có thể chọn tham gia hoặc không tham gia.

Tiếp đến, nền tảng sử dụng Bluetooth nên không thu thập vị trí địa lý của người dùng như GPS. Về cơ bản, nó chỉ nhận tín hiệu từ các thiết bị lân cận trong 5 phút rồi lưu thông tin vào cơ sở dữ liệu.

Nếu một người có xét nghiệm dương tính, họ sẽ báo cáo trong ứng dụng. Những người từng tiếp xúc với đối tượng nhiễm bệnh sẽ nhận cảnh báo để liên hệ các cơ sở y tế kịp thời.

Tiếp đến, danh tính người dùng sẽ không được tiết lộ. Khi gửi dữ liệu bằng Bluetooth, ứng dụng sẽ cấp một ID ẩn danh thay đổi sau mỗi 15 phút. Ngay cả khi người dùng nhiễm virus, ứng dụng sẽ chỉ chia sẻ ID nhận diện trong khoảng thời gian mà họ tiếp xúc với người khác.

Tiếp theo, danh sách cụ thể những thiết bị từng tiếp xúc gần sẽ luôn nằm trong thiết bị. Cơ sở dữ liệu chỉ bao gồm thông tin ID, không phải sự tương tác giữa các ID.

Một số nước như Israel, Hong Kong đã triển khai hệ thống theo dõi tiếp xúc để kiểm soát sự lây lan của virus, từ đó đưa ra những giải pháp can thiệp kịp thời. Facebook cũng cho biết sẽ áp dụng theo dõi vị trí để xây dựng bản đồ lây lan của virus corona.

Tất nhiên, một hệ thống mới luôn tồn tại những điểm yếu. Tại những khu vực tập trung đông người, ứng dụng có thể cảnh báo đến tất cả dù họ ngồi trong các phòng khác nhau, tạo ra sự hoang mang không cần thiết.

Tiếp đến, nó cũng chưa thể biết một người đã nhiễm virus trong bao lâu và những ai chưa có smartphone không thể tiếp cận được với ứng dụng này.

Hiện Apple và Google vẫn đang làm việc với các tổ chức y tế nhằm cải thiện nền tảng trước khi đưa vào sử dụng. Tất nhiên, vẫn cần kết hợp các phương pháp truyền thống như lấy thông tin từ đối tượng nhiễm bệnh để việc cách ly, tìm người tiếp xúc đạt hiệu quả cao nhất.

Thùy Chi/TH