Apple Watch có thực sự đo được nồng độ oxy trong máu không?
Câu trả lời là đo được, nhưng... thiếu chính xác. Những người đang định mua Apple Watch series 6, hoặc thiết bị đeo thông minh khác, vì khả năng hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nên cân nhắc lại.
Apple Watch series 6 là phiên bản đầu tiên được Apple trang bị tính năng đo độ bão hòa oxy trong máu (SpO2). Tuy nhiên, các thử nghiệm thực tế cho thấy tính năng này hoạt động thiếu chính xác.
Geoffrey A. Fowler, chuyên gia công nghệ của tờ Washington Post cho biết: "Tính năng kiểm tra độ bão hòa oxy trên Apple Watch sẽ chưa thể thay thế việc kiểm tra sức khoẻ mỗi ngày".
Fowler là một trong những người đầu tiên sử dụng Watch Series 6 của Apple, và đã sớm thất vọng về tính năng mới của sản phẩm này.
"Lần đo đầu tiên, Apple Watch 6 hiển thị mức oxy trong máu của tôi là 88% - thấp đáng kinh ngạc, trong khi tôi sức khỏe tốt và không bị khó thở. Năm phút sau, tôi kiểm tra lại thì chỉ số SpO2 là 95%. Mỗi lần thử tiếp theo lại cho một kết quả khác nhau", Fowler chia sẻ.
Tính năng này được đánh giá là thiếu sự tin cậy và độ chính xác, trong bối cảnh nhiều người kỳ vọng thiết bị đeo tay mới của Apple sẽ là một "máy phát hiện Covid-19" tiện lợi mà mọi cá nhân đều có thể tự trang bị.
Không chỉ riêng Apple Watch series 6, mà ngay cả mẫu smartwatch Fitbit Sense với tính năng tương tự, cũng cho thấy kết quả thiếu chính xác khi so sánh với các thiết bị đo chuyên dụng.
Conor Heneghan, Giám đốc nghiên cứu của Fitbit, từng cho biết đây một vấn đề kỹ thuật khi các công ty công nghệ tìm cách đo SpO2 trên cổ tay. "Không giống như ngón tay, nơi có nhiều mạch máu và cho ra những tín hiệu mạnh, cổ tay dễ bị vật cản và có thể thiếu chính xác", Heneghan nhấn mạnh.
Kết quả SpO2 trên Apple Watch series 6 cho ra nhiều kết quả với độ chênh lệch lớn.
Apple có lẽ cũng lường trước được mức độ thiếu chính xác của tính năng này. Một dòng chữ rất nhỏ ở cuối trang web của Apple cho biết ứng dụng đo nồng độ oxy trong máu của họ “không dành cho mục đích y tế” và “chỉ được thiết kế cho các mục đích thể dục và sức khỏe chung”.
Dòng chữ tương tự trên trang chủ của Fitbit cũng cho biết ứng dụng đo oxy trong máu của họ “không nhằm chẩn đoán hoặc điều trị bất kỳ tình trạng bệnh lý nào” và chỉ hữu ích để “giúp bạn quản lý sức khỏe và theo dõi thông tin của mình”.
Đây được xem là cách để các công ty công nghệ sẵn sàng nói lời từ chối trách nhiệm khi có vấn đề gì xảy ra. Trên thực tế, cả hai thiết bị sở hữu tính năng đo nồng độ oxy trong máu cũng không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt.
Đồng hồ Fitbit Sense cũng có tính năng đo nồng độ oxy trong máu, nhưng được khuyến cáo "chỉ để tham khảo".
"Các công ty công nghệ đang tiếp thị "quá đà" về khả năng kiểm tra y tế trên thiết bị của họ", Fowler nhận định. "Đây là một xu hướng nguy hiểm, gây ra những tác động xấu khi người dùng có thể nắm bắt sai về trạng thái sức khỏe thực tế của họ".
Người dùng được khuyên rằng nếu đang sở hữu các thiết bị đeo tích hợp công nghệ đo nhịp tim, hay nồng độ oxy trong máu, chỉ nên tham khảo những thông tin được hiển thị, mà không nên sử dụng chúng để chẩn đoán và điều trị bệnh.
Minh Anh