Bắc Giang: Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã chủ động có những ý kiến đề xuất để hỗ trợ lưu thông hàng hóa, tiêu thụ vải, trên các sàn thương mại điện tử.
Ứng dụng tiêu thụ nông sản Bắc Giang (Postmart, Vỏ Sò)
Bắc Giang hiện đang vào vụ thu hoạch một số sản phẩm nông sản như dứa, vải thiều, rau màu và các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản... Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn, đặc biệt là việc lưu thông, vận chuyển tiêu thụ hàng hóa ra ngoài huyện, tỉnh.
Để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, ngày 23/5, UBND tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Sở Công Thương Bắc Giang được yêu cầu tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch xúc tiến tiêu thụ nông sản, trong đó có việc kết nối, kêu gọi các sàn giao dịch điện tử.
Ảnh: Minh họa.
Ngày 18/5, tỉnh cũng đã đã kiến nghị Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số hỗ trợ đẩy mạnh phân phối sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên “Gian hàng Việt trực tuyến” và các sàn TMĐT.
Năm 2021, sản lượng vải thiều của toàn tỉnh ước đạt 180.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20/5/2021 đến 20/7/2021.
Là 2 trong các doanh nghiệp ngay sau đó được Cục TMĐT và Kinh tế số đề nghị phối hợp hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên sàn TMĐT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đều đã và đang triển khai các hoạt động để hỗ trợ đưa nông dân Bắc Giang lên bán hàng trên các sàn Postmart, Vỏ Sò.
Từ ngày 19/5 đến nay, Vietnam Post đã bắt đầu đưa một số nông sản của Bắc Giang lên tiêu thụ trên sàn Postmart. Dứa Lục Nam và vải thiều Lục Ngạn là 2 loại nông sản đầu tiên của tỉnh được bán qua sàn này.
Khoảng 1 tuần gần đây, bên cạnh việc hỗ trợ vận chuyển mỗi ngày hàng chục tấn nông sản, sàn Postmart cũng tiêu thụ trung bình hàng trăm kg nông sản Bắc Giang/ngày, chủ yếu là vải. Người tiêu dùng chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng…
Còn Viettel Post đã xây dựng phương án hỗ trợ để đồng hành cùng nông dân Bắc Giang nhanh chóng đưa nông sản lên tiêu thụ trên sàn Vỏ Sò.
Dự kiến từ ngày 5/6 tới, chương trình hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang sẽ chính thức khởi động trên “Gian hàng Việt trực tuyến” của sàn Vỏ Sò. Gần đây nhất, qua chương trình này, Viettel Post đã hỗ trợ tiêu thụ được gần 60 tấn hành tím Sóc Trăng trong 20 ngày tính từ 5/5.
Hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ nông sản trên 2 sàn Postmart, Vỏ Sò Hoạt động đào tạo nông dân Bắc Giang cách thức đưa nông sản lên bán trên Postmart sẽ được Vietnam Post tổ chức sau khi dịch bệnh "giảm nhiệt" (Ảnh hướng dẫn nông dân Hải Dương) Tới đây, khi tình hình dịch tại Bắc Giang “giảm nhiệt”, các sàn Postmart, Vỏ Sò sẽ tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho từng hộ nông dân và cả nhân viên Bưu điện, nhân viên chi nhánh Viettel Post ở Bắc Giang về cách thức đăng bán sản phẩm, tối ưu gian hàng trên sàn, theo dõi đơn hàng, giao dịch trên sàn…
Hướng dẫn người dân sử dụng sàn thương mại vỏ sò.
Chủ động ứng phó, đảm bảo công tác phòng dịch
Về hoạt động xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, cục Bảo vệ thực vật đã chủ động làm việc với các cơ quan kiểm dịch Nhật Bản và các Tham tán của Nhật tại Việt Nam.
Chủ động đề nghị Nhật Bản uỷ quyền cho các chuyên gia kiểm dịch của Việt Nam - thay thế cho các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp giám sát các lô vải thiều về vấn đề kiểm dịch. Phía Nhật Bản đã có văn bản chính thức phúc đáp lại và đồng ý với đề nghị của Việt Nam. Để làm được việc này, các chuyên gia, cán bộ kiểm dịch Việt Nam cần phải nắm chắc các nguyên tắc từ phía Nhật Bản, làm sao để lô vải thiều của ta đáp ứng được các yêu cầu khắt khe.
Đồng thời, các hộ nông dân Bắc Giang khi tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử sẽ được hỗ trợ vận chuyển, miễn các loại phí nhà cung cấp phải chi trả trong thời gian dịch bệnh khó khăn.
Việc này nhằm tạo điều kiện cho nông dân Bắc Giang tăng số lượng nông sản được tiêu thụ cũng như có thêm các chương trình khuyến mãi về giá cả hàng hóa, nông sản, mang đến nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng.
Trọng Lương (T/h)