Bắc Ninh chú trọng ứng dụng CNTT, phát triển hạ tầng để phục vụ CĐS

07:23, 16/05/2023

Theo Chương trình chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bắc Ninh đặt mục tiêu thực hiện CĐS đồng bộ và toàn diện.

Cụ thể, đến năm 2025, Bắc Ninh sẽ phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Ninh sẽ trở thành một trong những tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trong nhóm dẫn đầu cả nước về CĐS.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh xác định các chỉ tiêu về xử lý văn bản điện tử, cung cấp DVCTT, tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh kiến nghị của nhân dân là những chỉ tiêu CĐS quan trọng, được đo lường thường xuyên trong đánh giá CĐS của các cấp, các ngành và các địa phương.

bac-ninh-1.jpg

Bắc Ninh sẽ nâng cấp mạng di động 4G, phát triển hạ tầng mạng di động 5G.

Để đạt được các mục tiêu về CĐS đã đề ra, Bắc Ninh sẽ xây dựng, phát triển hạ tầng số băng rộng chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, ưu tiên triển khai tại các khu công nghiệp, khu CNTT tập trung, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, thương mại dịch vụ... Ngoài ra, tỉnh sẽ nâng cấp mạng di động 4G, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại di động thông minh trên địa bàn tỉnh.

Chuyển đổi mạng Internet của tỉnh sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet mới, kết nối và liên thông hệ thống mạng giữa khối Đảng và khối chính quyền. Đồng thời hát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật, xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số….

Theo nội dung tại Hội nghị đánh giá sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác các cơ quan, đơn vị đầu ngành để hợp tác thúc đẩy CĐS, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Toàn tỉnh đã thành lập 733 tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% cấp thôn với 3.252 thành viên. Đặc biệt, hạ tầng CNTT trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh đã từng bước được đầu tư hoàn thiện; xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ dùng chung thống nhất cho toàn tỉnh theo mô hình tập trung tại Trung tâm dữ liệu tỉnh.

Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã được kết nối với hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng nội tỉnh tốc độ cao, đáp ứng yêu cầu về trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước kết nối đến trung tâm dữ liệu của tỉnh; tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc và ký số văn bản điện tử cấp tỉnh đạt 95,42%, cấp huyện đạt 95,73%, cấp xã đạt 97,56%. Tỷ lệ tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị trên thiết bị di động đạt 94%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn tỉnh đạt 28,9%; 100% doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử…

Bắc Ninh chú trọng ứng dụng CNTT, phát triển hạ tầng để phục vụ CĐS.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động sâu rộng đến tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì thế, để thực hiện CĐS, thúc đẩy thanh toán điện tử trong các lĩnh vực, hệ thống ngân hàng ở Bắc Ninh cũng tập trung đổi mới hoạt động quản lý theo hướng hiện đại, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán, chú trọng khai thác, ứng dụng hiệu quả công nghệ số trong hoạt động tín dụng.

Công tác ứng dụng công nghệ tiên tiến đã được hệ thống ngân hàng tại Bắc Ninh đẩy mạnh, từ đó xây dựng các giải pháp mới vào hoạt động thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán không tiền mặt, chú trọng tính an toàn bảo mật. Những phương thức thanh toán mới đã được ngân hàng triển khai như xác thực sinh trắc học bằng vân tay, khuôn mặt hoặc thanh toán qua mã QR đã được triển khai. Ngoài ra, người dân Bắc Ninh cũng được hỗ trợ mở tài khoản thanh toán trực tuyến và gửi tiết kiệm trực tuyến trên thiết bị di động.

Mới đây, Cục Thuế tỉnh cũng đã gửi thư ngỏ và triển khai tới người nộp thuế thực hiện rà soát, thay đổi thông tin đăng ký thuế nhằm chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân trên địa bàn tỉnh. Người nộp thuế thực hiện cập nhật, thay đổi thông tin đăng ký thuế (họ tên, ngày sinh, số căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân) thông qua một trong ba cách sau: phương thức điện tử qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc đăng nhập qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; gián tiếp qua cơ quan chi trả thu nhập; trực tiếp với cơ quan Thuế. Để bảo đảm thông tin cá nhân được chính xác, Cục Thuế tỉnh khuyến nghị người nộp thuế nên kê khai thay đổi thông tin đăng ký thuế qua phương thức điện tử.

Từ nay đến năm 2025, Tỉnh Bắc Ninh đã xác định ưu tiên CĐS một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, an ninh an toàn thực phẩm... Đặc biệt, tỉnh chú trọng xây dựng và đào tạo nhân lực cho CĐS, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư, trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử. Theo đó, Bắc Ninh sẽ huy động các nguồn lực thực hiện CĐS, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án liên quan, nguồn đầu tư của DN, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân thông qua chính sách khuyến khích, thu hút DN công nghệ số đầu tư phát triển CĐS.

Quang Minh (T/h)