Bác sĩ Việt Nam can thiệp tim phức tạp truyền hình trực tiếp tới Singapore
Các bác sỹ của Viện Tim mạch Việt Nam vừa trình diễn thành công một trường hợp can thiệp động mạch vành phức tạp và được truyền hình trực tiếp sang Singapore - nơi đang diễn ra hội nghị khoa học lớn thế giới về tim mạch can thiệp (Singlive 2024).
Các bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam trình diễn một trường hợp can thiệp bệnh lý động mạch vành đặc biệt phức tạp tại Hội nghị tim mạch can thiệp uy tín nhất của khu vực châu Á Thái Bình Dương - Ảnh: VGP/HT.
Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore 2024 diễn ra từ ngày 25 đến 27/1/2024 – đây là một trong những Hội nghị tim mạch can thiệp uy tín nhất của khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Mỗi năm, Hội nghị thu hút hàng nghìn các bác sĩ lâm sàng, các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và thế giới về các lĩnh vực can thiệp tim mạch, nhằm trao đổi và chia sẻ kiến thức cơ bản cũng như chuyên sâu của lĩnh vực này.
Một trong những điểm nhấn của Hội nghị là trình chiếu trực tiếp các can thiệp phức tạp được thực hiện bởi các chuyên gia tim mạch can thiệp hàng đầu tại các nước, đồng thời có sự tương tác, trao đổi giữa các thành viên chủ toạ đoàn cùng khán giả trên tinh thần chia sẻ và trao đổi kiến thức, mang lại lợi ích lớn nhất cho bệnh nhân.
Năm nay, Viện Tim mạch Việt Nam trình diễn một trường hợp can thiệp bệnh lý động mạch vành đặc biệt phức tạp. Đó là bệnh nhân nữ đã 80 tuổi, có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận và chỉ còn một thận (một thận đã bị cắt do sỏi thận).
Mới đây, bệnh nhân nhập viện do bệnh lý động mạch vành cấp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ của Viện Tim mạch Việt Nam nhận định, đây là một ca khó, nhiều bệnh lý đi kèm, tổn thương động mạch vành rất phức tạp với nhiều chỗ hẹp, vôi hoá toàn bộ 3 nhánh động mạch vành kèm tổn thương thân chung động mạch vành trái - đây là vị trí trọng yếu, là gốc của các nhánh động mạch vành bên trái.
Với tổn thương này, trước đây bệnh nhân chỉ có thể phẫu thuật tim mở. Tuy nhiên, đây là một ca khó, bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền, nguy cơ tử vong cao nếu tiến hành phẫu thuật tim mở. Vì vậy, các bác sỹ đã quyết định lựa chọn biện pháp can thiệp nong và đặt stent cho người bệnh.
Sau khi được sự đồng ý của người bệnh và gia đình, các bác sỹ đã chia làm hai thì can thiệp. Lần thứ nhất, can thiệp nhánh động mạch vành phải, là nhánh thứ yếu trước đó một tuần, để tạo thuận lợi cho lần can thiệp sau.
Lần can thiệp sau chính là can thiệp trực tiếp vào tổn thương hẹp rất nặng của thân chung động mạch vành trái kèm theo 2 nhánh chính bên trái. Đây là hệ thống các nhánh động mạch vành bên trái, là nơi trọng yếu với quả tim, trong đó xuất phát từ một gốc gọi là thân chung.
Trước đây, khi tổn thương thân chung thì sẽ chống chỉ định để can thiệp, nhưng hiện nay, nhờ tiến bộ của kỹ thuật và nhiều phương tiện hiện đại, đặc biệt kinh nghiệm và tay nghề của thầy thuốc được nâng cao, bệnh nhân có thể được can thiệp những tổn thương này.
Bệnh nhân được tiến hành can thiệp có truyền hình trực tiếp sang đầu cầu Hội nghị bên Singapore. Kíp can thiệp do GS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam làm trưởng nhóm, cùng các bác sỹ trong Viện đã thực hiện thành công trong khoảng một giờ, đúng khung thời gian cho phép trong một phiên truyền hình trực tiếp của Hội nghị.
Trong quá trình tiến hành can thiệp, nhiều kỹ thuật, "mẹo mực" đã được các bác sỹ trình diễn để vượt qua những trở ngại, khó khăn của tổn thương phức tạp cũng như đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh.
Trong quá trình thực hiện, nhóm can thiệp cũng nhận được nhiều câu hỏi, bình luận của Ban chủ toạ và các đồng nghiệp đang dự hội nghị bên Singapore. Các bác sỹ Việt Nam đã rất tự tin chia sẻ các kinh nghiệm và được bạn bè đánh giá cao.
Buổi trình diễn kỹ thuật này đã chứng minh sự hội nhập quốc tế của chuyên ngành tim mạch can thiệp của Việt Nam, đồng thời khẳng định "chỗ đứng" của các bác sỹ tim mạch can thiệp Việt Nam trên thế giới. Vì vậy, người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm khi điều trị trong nước cũng như dần dần thu hút bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam điều trị.
Theo Báo điện tử Chính phủ