Bài báo khoa học bị rút: Nhiều hệ lụy
Gần đây, hiện tượng bài báo khoa học bị rút trở nên đáng báo động.
Điều này có thể dẫn đến hệ lụy học thuật, kinh tế lâu dài cho tác giả, tổ chức liên quan và đất nước. TS Lê Văn Út - Trợ lý Chủ tịch Hội đồng trường về Nghiên cứu khoa học, Trưởng nhóm Nghiên cứu đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu (SARAP), Trường Đại học Văn Lang chia sẻ với Báo GD&TĐ về vấn đề này.
Đại biểu dự hội thảo “Nguyên nhân bài báo khoa học bị rút” tại Trường Đại học Văn Lang. Ảnh từ Facebook Trường Đại học Văn Lang
228 bài báo khoa học bị rút
- Ông có thể cho biết thực trạng việc bài báo khoa học bị rút hiện nay trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng?
- Hiện có ít nhất 3 cơ sở dữ liệu có thể giúp truy xuất thống kê các bài báo khoa học bị rút như Retraction Watch Database, Scopus, Web of Science. Tuy nhiên, có thể nói Web of Science (WoS, Mỹ) là cơ sở dữ liệu khoa học uy tín nhất và tính đến thời điểm này, toàn thế giới đã có 65.637 bài báo chuẩn WoS đã bị rút.
Điều đáng quan tâm là số bài báo bị rút xu hướng giảm trong những năm gần đây. Nếu năm 2022, thế giới có 13.178 bài báo bị rút thì năm 2023 còn 6.755 bài và 6.212 bài bị rút trong năm 2024. Thông tin này cho thấy công tác đảm bảo liêm chính nghiên cứu trên toàn thế giới đang triển khai quyết liệt.
Riêng Việt Nam, đã có 228 bài báo khoa học chuẩn WoS bị rút tính đến thời điểm này. Điều này có thể là tín hiệu bắt đầu đáng báo động và thách thức công tác đảm bảo liêm chính nghiên cứu trong cả nước.
- Nguyên nhân bài báo khoa học bị rút là gì, theo ông?
- Theo COPE (Committee on Publication Ethics - Ủy ban đạo đức xuất bản, trụ sở ở Vương Quốc Anh), có ít nhất 8 nguyên nhân có thể dẫn đến một bài báo khoa học bị rút sau khi được công bố trên một tạp chí khoa học, bao gồm:
Các kết quả nghiên cứu không đáng tin cậy vì có những sai sót nghiêm trọng, các hành vi ngụy tạo hoặc làm sai lệch trong bài báo; đạo văn; công bố lặp lại nhưng không ghi nhận các nguồn trước đó một cách chuẩn mực; sử dụng trái phép các tài liệu hoặc dữ liệu nghiên cứu; vi phạm bản quyền hoặc các vấn đề pháp lý khác; vi phạm đạo đức trong nghiên cứu khoa học như việc các đề tài nghiên cứu liên quan động vật, con người hoặc các vấn đề nhạy cảm khác nhưng chưa được phê duyệt về khía cạnh đạo đức nghiên cứu; thao túng quy trình bình duyệt; mâu thuẫn lợi ích trong công bố khoa học.
Cũng xin nhấn mạnh, nguyên nhân rút bài báo có thể gồm cả chủ quan do các vi phạm của tác giả và khách quan từ những vi phạm của tạp chí.
TS Lê Văn Út.
Nhiều hệ lụy
- Ông có thể nói rõ hơn về quy trình rút bài báo khoa học của các tạp chí?
- Quy trình làm việc từ giai đoạn tiếp nhận thông tin hoặc tự phát hiện vấn đề cho đến quá trình điều tra và quyết định rút bài của tạp chí có thể được tóm gọn như sau. Trước tiên, việc phát hiện vấn đề có thể do tạp chí tự làm hoặc tiếp nhận phản ánh từ độc giả. Sau đó, tạp chí tiến hành xém xét và điều tra. Tạp chí luôn đảm bảo sự minh bạch và công bằng nên phải liên hệ các bên liên quan như tác giả, tập thể tác giả, cơ sở nghiên cứu… Sau đó, tạp chí ra quyết định và kèm theo hành động phù hợp. Nếu bài báo bị rút thì tạp chí sẽ ra thông báo và đăng công khai thông báo này.
Thực tế cho thấy, việc tạp chí có bài báo bị rút ảnh hưởng không tốt đến danh tiếng khoa học, nên không tạp chí nào sẵn sàng hay mong muốn rút bất kỳ bài báo nào mà chính họ đã chấp nhận cho công bố.
Tuy nhiên, hầu hết tạp chí khoa học luôn đề cao tinh thần liêm chính khoa học và nghiêm túc trong việc tuân thủ các nguyên tắc liên quan vấn đề này. Do đó, họ thường tiến hành điều tra nghiêm túc, chặt chẽ để có thể giải quyết được vấn đề phát sinh về liêm chính một cách tối ưu nhất và luôn đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan, đặc biệt tác giả bài báo. Các tạp chí khoa học luôn tạo điều kiện cho tác giả có cơ hội giải trình và bảo vệ quyền lợi trong quá trình xem xét các khía cạnh liên quan trước khi ra quyết định cuối cùng về số phận của bất kỳ bài báo khoa học nào.
- Theo ông, các bài báo khoa học bị rút sẽ dẫn đến hệ lụy như thế nào?
- Việc có bài báo khoa học bị rút có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.
Thứ nhất, hệ lụy đối với cá nhân. Uy tín học thuật của tác giả hiển nhiên bị ảnh hưởng với mức độ tùy thuộc vào nguyên nhân rút bài. Trước tiên, tâm lý học thuật của tác giả thường bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp theo có thể ảnh hưởng đến việc xin bổ nhiệm các vị trí chuyên môn/học thuật, chương trình hợp tác nghiên cứu và việc xin tài trợ nghiên cứu trong tương lai.
Thứ hai, hệ lụy đối với tổ chức liên quan. Một tổ chức hay cơ sở giáo dục đại học có nhiều bài báo khoa học bị rút có thể bị giảm uy tín học thuật nghiêm trọng. Từ đó, việc hợp tác học thuật của tổ chức này có thể cũng bị liên đới. Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học có nhiều bài báo bị rút còn có thể bị “vinh danh” vào danh sách có nhiều bài báo bị rút. Điều này dẫn đến việc danh tiếng học thuật bị suy giảm và chắn chắn sẽ ảnh hưởng đến công tác xếp hạng đại học của đơn vị.
Thứ ba, việc có nhiều bài báo khoa học bị rút có thể ảnh hưởng đến uy tín của đất nước. Đã có những kết quả nghiên cứu về đo lường khoa học và tiến tới xếp hạng những quốc gia có nhiều bài báo khoa học bị rút.
Ảnh chụp từ "Nguyên nhân bài báo khoa học bị rút" - Báo cáo Workshop về liêm chính nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Văn Lang, ngày 18/4/2025.
4 nhóm giải pháp
- Vậy có cách nào để phòng tránh việc bài báo khoa học có thể bị rút?
- Trong hội thảo tổ chức sáng 18/4 tại Trường Đại học Văn Lang với tiêu đề “Nguyên nhân bài báo khoa học bị rút”, tôi đã trình bày 4 nhóm giải pháp mà người làm nghiên cứu cân nhắc để tránh việc bài báo khoa học bị rút.
Thứ nhất, tuân thủ liêm chính nghiên cứu, cụ thể là không gian lận, không bịa đặt và không đạo văn trong nghiên cứu và công bố khoa học.
Thứ hai, hết sức cân nhắc khi quyết định đứng tên vào một bài báo khoa học vì những mục đích khác nhau, nhất là mục đích không trong sáng, nếu không nắm rõ nội dụng và tình hình nhóm tác giả tham gia trong bài báo. Mỗi bài báo khoa học được công khai trên toàn thế giới, lưu trữ trọn đời trong các cơ sở dữ liệu khoa học, có thể được/bị hàng tỷ người đọc xem xét và phán xét.
Thứ ba, cân nhắc khi hợp tác với các tác giả có dấu hiệu đột biến trong nghiên cứu, công bố khoa học. Có thể là đột biến số lượng sản phẩm khoa học, có những hợp tác nghiên cứu đáng ngờ, tham gia chương trình tài trợ nghiên cứu đáng ngờ và nhất là chương trình liên quốc gia, có nhiều bài báo bị rút và các dấu hiệu vi phạm liêm chính nghiên cứu khoa học khác.
Thứ tư, thận trọng khi chọn tạp chí khoa học để công bố bài báo. Phải tránh xa các tạp chí giả tạo, săn mồi, kém chất lượng. Ngoài ra, cảnh giác trước những tạp chí có các chỉ số trắc lượng khoa học cao nhưng có thể tiềm ẩn rủi ro đột biến, ví dụ như Tạp chí Environmental Science and Pollution Research của Nhà xuất bản Springer từng một thời “đình đám” với các chỉ số trắc lượng khoa học cao
(H-index là 179, xếp hạng 1 bởi một số cơ sở giáo dục đại học, kinh phí tài trợ hàng trăm triệu) nhưng đã bị điều tra và phải rút hàng loạt bài báo vi phạm vì các dấu hiệu đột biến.
- Theo ông, cần có chính sách nào để hạn chế tối đa việc vi phạm liêm chính học thuật, đồng thời khích lệ được người làm nghiên cứu một cách nghiêm túc?
- Phát triển nghiên cứu khoa học và xem khoa học công nghệ là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế là chiến lược sáng suốt được Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn. Do đó, thời gian qua, các cơ sở nghiên cứu, đặc biệt cơ sở giáo dục đại học đã có những bước phát triển mạnh mẽ về nghiên cứu khoa học và đạt được những thành tựu nhất định. Nhờ nghiên cứu khoa học, nhiều cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục xuất hiện, đạt các vị trí cao trên các bảng xếp hạng đại học thế giới. Đây là điều đáng mừng, cần tiếp tục phát huy.
Tuy nhiên, quá trình phát triển nghiên cứu khoa học ở Việt Nam cũng đặt ra những vấn đề có thể nan giải và có thể rất cần sự tỉnh táo. Đó là dấu hiệu phát sinh hệ lụy từ việc phát triển nóng, cụ thể là vấn đề vi phạm liêm chính nghiên cứu. Tuy nhiên, việc phát sinh như vậy hết sức bình thường trong quá trình bắt đầu phát triển, mà thực tiễn đã xảy ra tình trạng tương tự ở các nước.
Một vấn đề căn bản trong phát triển nghiên cứu khoa học là thành tựu và chất lượng/đẳng cấp thực chất nên có sự tương đồng. Việc tăng cường công tác đảm bảo liêm chính nghiên cứu bằng hệ thống quy định chiến lược về liêm chính nghiên cứu và các công cụ kiểm soát liêm chính nghiên cứu là hiển nhiên, nhưng có thể chưa đủ.
Điều quan trọng nhất là phải xây dựng môi trường nghiên cứu sao cho không thể xảy ra/hạn chế tối đa vi phạm liêm chính nghiên cứu. Khi đó, cần bố trí hợp lý giữa mục tiêu đặt ra và nguồn lực phục vụ nghiên cứu khoa học. Việc áp KPI hay bắt ép người làm nghiên cứu phải tạo ra những sản phẩm “đỉnh cao hay hạng cao” nhưng với nguồn lực khiêm tốn/hạn chế (nhân lực, tài lực, trang thiết bị) có thể là một trong những nguyên nhân cốt yếu dẫn đến vi phạm liêm chính nghiên cứu.
Thêm nữa, cần xem xét về sự quyết liệt trong công tác đảm bảo liêm chính nghiên cứu ở các cơ sở nghiên cứu, đặc biệt cơ sở giáo dục đại học.
Ngoài ra, nên kể thêm tâm lý “đốt cháy giai đoạn” của một bộ phận người làm nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học cần thời gian, độ trễ, thậm chí phải chấp nhận rủi ro nhưng một bộ phận người làm nghiên cứu muốn có nhanh thành tựu và thậm chí còn kinh tế hóa hoạt động nghiên cứu khoa học. Điều đó dẫn đến những hệ lụy như chạy bài báo, đề tài, trích dẫn khoa học,… và cuối cùng tạo nên sự đột biến đáng tiếc trong nghiên cứu khoa học với những thành tựu ảo mà cộng đồng học thuật thường xuyên lên án.
Có một cách tiếp cận mới trong quản trị nghiên cứu khoa học để có thể kiểm soát hoặc hạn chế tối đa vi phạm liêm chính nghiên cứu là quản trị nghiên cứu theo hướng chuyển giao để tạo ra giá trị thực, không chạy theo số lượng ảo vì vừa lãng phí, lại mất uy tín học thuật. Ngắn gọn là không quan trọng việc tạo ra bao nhiêu sản phẩm khoa học, nhưng điều quan trọng và cần có là bao nhiêu sản phẩm được chuyển giao và giá trị mang lại cụ thể là gì. Một khi có chính sách quản trị nghiên cứu khoa học theo hướng này thì sẽ không còn lo lắng nhiều vấn đề vi phạm liêm chính nghiên cứu nữa.
Tuy nhiên, khái niệm chuyển giao các kết quả nghiên cứu cần hiểu rộng ra. Một sản phẩm nghiên cứu khi được chuyển giao có thể tạo ra một trong ba loại sản phẩm mới gồm sản phẩm tri thức mới, sản phẩm danh tiếng mới và sản phẩm công nghệ mới. Và kết quả việc chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu phải được đo lường khoa học cụ thể bằng tiền; tiền trong phạm vi này phải gồm cả tiền trực tiếp và tiền gián tiếp.