Bài học "Từ sự việc Sao Bắc Đẩu, lỗi nhỏ hậu quả khó lường"
Vừa qua, World Bank đã đã làm việc chi tiết với Sao Bắc Đẩu trong năm 2019-2020 và đồng ý sự việc vừa rồi không phải là sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty. Chính bởi vậy, World Bank đã giảm thời hạn từ 9 năm xuống còn 7 năm. Tuy nhiên, câu chuyện của SBĐ như một bài học để "răn đe" cho các công ty khác.
Trước đó Công nghệ và Đời sống đã có bài viết: Công ty Sao Bắc Đẩu nói gì sau lệnh cấm 7 năm của Ngân hàng Thế giới? Liên quan đến sự việc trên, ngày 29/6 vừa qua Công ty Cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu (SBĐ) đã có văn bản gửi tới VAIP để giải thích rõ sự việc bị World Bank cấm vận 7 năm. Đồng thời, trong văn bản gửi tới VAIP, SBĐ hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ VAIP để góp phần cho sự phát triển chung của ngành Công nghệ Việt Nam.
Cụ thể, các thông tin trong thông cáo báo chí ngày 13/5/2020 và được công bố ngày 24/6 của World Bank có liên quan đến 2 gói thầu BRT Hà Nội (2015) và BRT Đà Nẵng (2018) mà SBĐ tham gia dự thầu. Trong quá trình dự thầu, nhân viên của SBĐ có tiếp cận khách hàng để tác động và trong hồ sơ thầu có 1 thư hỗ trợ dự án được coi là giả mạo.
Công ty Cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu có trụ sở tại Việt Nam.
Việc nhân viên của SBĐ tiếp cận khách hàng để hỗ trợ kỹ thuật trước thời điểm thầu là không phù hợp với nguyên tắc đối với các dự án của World Bank và cũng là lỗi của SBĐ trong việc quản lý nhân viên của mình.
Về thư hỗ trợ dự án, SBĐ nhận từ một công ty là nhà phân phối ủy quyền chính thức (Authorized Distributor) của hãng ở Việt Nam cho các thiết bị lưu điện với giá trị chiếm khoảng 0,11% tổng giá trị dự thầu. Đối với thư này, SBĐ đã sơ sót khi không kiểm tra tính xác thực lại với hãng sản xuất. Cả hai gói thầu nói trên SBĐ đều không là đơn vị trúng thầu.
World Bank đã làm việc chi tiết với SBĐ trong năm 2019-2020 để làm rõ những vấn đề trên, trong quá trình làm việc World Bank ghi nhận sự phối hợp của SBĐ và cũng đồng ý đây không phải là sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty. Vì vậy World Bank đã giảm thời hạn cấm tham dự các dự án do World Bank tài trợ vốn từ 9 năm xuống còn 7 năm và sẽ tiếp tục giảm thêm nếu SBĐ thực hiện tốt các cam kết giữa hai bên và theo hướng dẫn tuân thủ liêm chính của World Bank (World Bank Integrity Compliance Guidelines).
Thông báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) gửi Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu.
Sau 24 năm thành lập và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, SBĐ cho biết đây là lần đầu tiên để xảy ra vi phạm như thế này và cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc của công ty khi tham gia các dự án.
Ngay sau khi lỗi vi phạm được xác định, SBĐ đã có những hành động quyết liệt: Kỷ luật cho thôi việc đối với nhân viên liên quan, giải thể đơn vị liên quan trực tiếp đến 2 dự án này, rà soát sửa đổi quy trình để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định trong hoạt động kinh doanh của mình.
Đồng thời, SBĐ cam kết rằng việc phạt của World Bank không ảnh hưởng đến năng lực của công ty trong việc thực thi các thỏa thuận, giao kết, hợp đồng,… đã thống nhất với khách hàng.
Công ty Cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu là Công ty Công nghệ thông tin với bề dày 24 năm hoạt động trong lĩnh vực tích hợp hệ thống và là đối tác uy tín của các hãng công nghệ toàn cầu như: Cisco, IBM, Microsoft, Hitachi, HP, F5,… Hoạt động kinh doanh chính của công ty là Tư vấn, thiết kế, cung cấp và triển khai dịch vụ tích hợp hệ thống CNTT & Viễn thông, Cung cấp các dịch vụ hạ tầng CNTT và viễn thông, Cung cấp các dịch vụ CNTT trên nền tảng điện toán đám mây, Cung cấp các dịch vụ CNTT cho các tòa nhà, khu dân cư và đô thị mới. Khách hàng của Sao Bắc Đẩu đều là các khách hàng lớn, các bộ ngành của Chính phủ như Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại Giao, Bộ Công An, Bộ GTVT…các ngân hàng như ACB, Vietcombank, Đông Á Bank, SHB, Seabank,…Các công ty như REE, Thegioididong, Vinamilk, đại học RMIT… |
Thùy Dung