Ban hành Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quyết định số 1314/QĐ-BGDĐT về Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ.

Mục tiêu của CTĐT về vi mạch bán dẫn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy công nghệ, năng lực sáng tạo và khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu.
Theo Quyết định, Chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) về vi mạch bán dẫn áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học tham gia thực hiện Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng, rà soát, cập nhật chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trước khi tuyển sinh.
Tham khảo yêu cầu về CTĐT của nhiều nước phát triển
Chuẩn CTĐT về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ là những yêu cầu chung tối thiểu áp dụng đối với tất cả các CTĐT của các ngành trình độ đại học và thạc sĩ theo quy định hiện hành tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chuẩn CTĐT bao gồm các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn đầu ra, chuẩn đầu vào, khối lượng học tập, cấu trúc và nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả, đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ, cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu.
Quá trình xây dựng Chuẩn CTĐT có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về vi mạch bán dẫn; tham khảo ý kiến rộng rãi của các cơ sở đào tạo (CSĐT), người sử dụng lao động và cựu người học đã tốt nghiệp các CTĐT có liên quan đến vi mạch bán dẫn; tham khảo các yêu cầu về CTĐT tương ứng của các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Chuẩn CTĐT là cơ sở để các cơ sở đào tạo (CSĐT) xây dựng và tổ chức thực hiện các CTĐT về vi mạch bán dẫn. Chuẩn này cũng là nền tảng để thiết kế và triển khai các CTĐT ngành chính - ngành phụ, song bằng hoặc liên ngành về vi mạch bán dẫn.
Căn cứ vào định hướng đào tạo và điều kiện thực tiễn, các CSĐT có thể xây dựng chương trình giảng dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng Anh nhằm nâng cao khả năng học ngoại ngữ cho người học và từng bước tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, chương trình cũng chú trọng trang bị cho người học các kỹ năng liên ngành như lập trình, mô phỏng và phân tích dữ liệu, giúp người học phát triển tư duy công nghệ và khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu, đáp ứng hiệu quả nhu cầu nhân lực trong nước và quốc tế về vi mạch bán dẫn.
Danh mục các ngành đào tạo phục vụ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Danh mục thống kê các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn có thể tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo quy định hiện hành như sau:
Trình độ đại học gồm các ngành: Vật lý học, Cơ học, Hóa học, Khoa học tính toán, Khoa học dữ liệu, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin; An ninh mạng (thí điểm); Kỹ thuật Robot (thí điểm); Kỹ thuật điện, điện tử (thí điểm)…
Trình độ thạc sĩ gồm các ngành: Vật lý chất rắn, Vật lý vô tuyến và điện tử, Cơ học vật rắn, Quang học, Hóa vô cơ, Hóa hữu cơ, Khoa học máy tính, Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật viễn thông…
Lấy người học làm trung tâm, chủ thể chính của quá trình đào tạo
Mục tiêu của CTĐT về vi mạch bán dẫn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có tư duy công nghệ, năng lực sáng tạo và khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu; sẵn sàng đảm nhiệm các vị trí việc làm trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm: Thiết kế và chế tạo vi mạch tích hợp, thiết kế không xưởng, gia công sản xuất vi mạch, sản xuất thiết bị và công cụ.
Người học được trang bị nền tảng kiến thức, kỹ năng và năng lực thực hành để đảm nhiệm các vị trí khác nhau trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời có khả năng thích ứng với sự phát triển nhanh của công nghệ và tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn.
Chuẩn đầu ra của CTĐT về vi mạch bán dẫn phải đáp ứng các yêu cầu về chuẩn đầu ra của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, chuẩn đầu ra của Chuẩn CTĐT của khối ngành/lĩnh vực/ngành đào tạo tương ứng. CSĐT sẽ xây dựng các chuẩn đầu ra với mức độ năng lực phù hợp với đặc thù của từng CTĐT, nhưng phải đáp ứng tối thiểu theo Thang trình độ năng lực Bloom tương ứng với từng trình độ đào tạo (Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sĩ).
Chuẩn đầu vào của CTĐT xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực và kinh nghiệm phù hợp với đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ về vi mạch bán dẫn. Những yêu cầu này nhằm bảo đảm người học có thể học tập thành công và hoàn thành tốt CTĐT.
Khối lượng học tập tối thiểu của một CTĐT phải phù hợp với yêu cầu của khung trình độ quốc gia Việt Nam. Cấu trúc của CTĐT bao gồm các thành phần chính: Giáo dục đại cương, giáo dục chuyên nghiệp, khối kiến thức bổ trợ và khối học phần tốt nghiệp.
Phương pháp giảng dạy được thiết kế theo cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm, xem người học là chủ thể chính của quá trình đào tạo. Việc đánh giá kết quả học tập không chỉ tập trung vào kiến thức lý thuyết mà còn bao gồm năng lực thực hành, khả năng giải quyết vấn đề thực tế, kỹ năng và thái độ của người học, nhằm phản ánh đầy đủ năng lực toàn diện.