Báo chí cần đẩy mạnh thông tin trên các nền tảng số, góp phần ngăn chặn thông tin xấu, độc

15:22, 04/11/2022

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ lo ngại về thông tin xấu, độc tràn lan trên mạng, cách ứng xử và những biểu hiện lệch lạch của giới trẻ trên không gian mạng. Vì vậy, bên cạnh tăng cường công tác quản lý nhà nước, sự giáo dục của nhà trường, xã hội... một số đại biểu cho rằng cơ quan báo chí cần tăng cường cung cấp thông tin chính xác, chuẩn mực đến người dùng mạng xã hội.

Trả lời phỏng vấn bên lề hành lang Quốc hội, cũng như tranh luận trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, không nên nhìn nhận, đánh giá mạng xã hội dưới góc độ nguy hại mà là cơ hội và điều quan trọng là thái độ, cách ứng xử của chúng ta. Với người dân, khi tiếp cận mạng xã hội cần tạo ra khả năng thích ứng. Bởi một thông tin lên mạng xã hội, chỉ cần một tiếng sau đã lan truyền rộng rãi dù có gỡ xuống nhưng vẫn tiếp tục được lan truyền. Điều quan trọng nhất vẫn là khả năng đề kháng của công chúng.

Câu hỏi đặt ra là phải cung cấp thông tin cho công chúng, vai trò của báo chí cần được tăng cường trong đó phải khuyến khích báo chí đi thẳng vào vấn đề nóng, nói thẳng vấn đề nóng để vấn đề không còn nóng nữa và sẽ không để trống “trận địa thông tin”.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Bên cạnh đó, không phải báo chí phản ánh vấn đề tiêu cực là báo chí tiêu cực, không phải báo chí biểu dương nghĩa là báo chí tích cực. Đại biểu ví von “thuốc bổ mà uống quá liều sẽ ngộ độc”, bởi công chúng không tin nữa, vì thế cần có dư địa để lực lượng rất mạnh là báo chí có thể phản ánh những câu chuyện, chia sẻ thêm thông tin để tạo thêm những luồng thông tin rất tích cực bằng chính mạng xã hội, trên fanpage của các cơ quan báo chí.

Đại biểu cho rằng, việc các cơ quan báo chí kiểm duyệt hoặc đóng các bình luận trên fanpage là điều bất khả thi. Như vậy, cơ quan báo chí không biết được công chúng nghĩ gì về thông tin; cơ quan báo chí không có cơ hội để trao đổi trở lại với thông tin và về mặt kỹ thuật, khi không có bình luận, những thông tin tích cực không nổi lên trên các trang mạng, hệ quả là công chúng không tiếp cận được nguồn thông tin chính xác, chính thống.

“Báo có có thế mạnh rất mạnh là có nguồn thông tin chuẩn chỉ, chuyên nghiệp và làm chủ công nghệ trên các nền tảng số. Vì vậy, cần tận dụng thế mạnh của việc trao đổi, tranh luận làm rõ thông tin, chứ không chỉ dừng ở việc đẩy thông tin, khi đó công chúng sẽ tìm đến cái kênh thông tin khác và người thiệt hại chính là công chúng không tiếp cận được thông tin tích cực, đầy đủ”, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng tình cần tăng cường thông tin trên các trang thông tin chính thống để người dân được tiếp cận, đại biểu Võ Thị Minh Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, việc Chính phủ triển khai Đề án tổ chức truyền thông chính sách đã có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật giai đoạn 2022-2027, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, phản bác thông tin giả, xấu độc và kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận Nhân dân, lan tỏa năng lượng tích, cực khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đồng thuận cao trong xã hội. Để công tác truyền thông chính sách có hiệu quả, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng Chính phủ cần có quy định về việc lập, quản lý và hoạt động của các trang fanpage chính thống của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trên nền tảng mạng xã hội; đồng thời đánh giá lại kết quả lấy ý kiến của Nhân dân trên các trang thông tin điện tử của Chính phủ và các bộ ngành trong thời gian qua./.

Thành Nam (T/h)