Áp dụng thành tựu của công nghệ số trong sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao

16:10, 06/11/2024

Mới đây, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị chuyên đề Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Giải Báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi chia sẻ: Sau gần 4 năm thực hiện, Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các cấp Hội Nhà báo giai đoạn 2021 – 2025 đã có nhiều thành công tốt đẹp trong việc hỗ trợ các nhà báo và nền báo chí Việt Nam phát triển. Cụ thể, trong 3 năm (2021-2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương là 11,46 tỷ đồng, hỗ trợ gần 4.000 lượt tác giả, hỗ trợ đối với Hội Nhà báo các địa phương trong cả nước là 27,7 tỷ đồng, qua đó thu về hàng nghìn tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Từ năm 2024, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã chỉnh sửa, hoàn thiện Điều lệ Giải. Trong đó bổ sung 2 nhóm giải mới: Giải Tạp chí in và Tạp chí điện tử; Giải sản phẩm báo chí số và Dự án báo chí truyền thông sáng tạo. Việc bổ sung này đã chủ động bám sát quan điểm, chủ trương mới của Đảng, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, phù hợp với chiến lược do Thủ tướng Chính phủ ban hành và phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển chung của báo chí truyền thông hiện nay.

Ông cũng chia sẻ: Nhằm đáp ứng yêu cầu tạo nguồn tác phẩm dự Giải Báo chí quốc gia với cơ cấu mới, các cơ quan báo chí phối hợp với Hội Nhà báo địa phương từ khâu chọn đề tài, xây dựng đề cương, thực hiện và thẩm định chất lượng tác phẩm. Từ đó cho ra đời những tác phẩm báo chí với phương thức hiện đại như: Infographic, Long-form, E-magazine, Podcast… Người làm báo ứng dụng thành tựu mới của công nghệ số như: Điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… để tạo ra những sản phẩm báo chí dữ liệu, gói tin tức, dự án báo chí - truyền thông đa nền tảng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số báo chí, áp dụng thành tựu của công nghệ số trong sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; góp ý tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao thời gian tới; trao đổi, thảo luận nội dung Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở trung ương và các hội văn học nghệ thuật địa phương.

Cùng ngày, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) cũng đã tổ chức Hội thảo “Sơ kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định 362/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” nhằm đánh giá tiến độ và hiệu quả thực hiện Quy hoạch báo chí toàn quốc, trong đó có các cơ quan báo chí của Liên hiệp Hội. Từ đó, phân tích những thành tựu đã đạt được, khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện, cũng như thảo luận các giải pháp để đạt được các mục tiêu phát triển báo chí thời gian tới.

Tại hội thảo, đánh giá chung về tình hình báo chí hiện nay, Nhà báo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Bích San, đại diện Tạp chí Kinh tế nghe nhìn Việt Nam cho rằng, từ thời kỳ Đổi mới năm 1986 đến nay, báo chí đã phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua việc tăng số lượng đầu báo và sự mở rộng của truyền thông số, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, quá trình phát triển, báo chí đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nền kinh tế thị trường; một số cơ quan báo chí khai thác thông tin nhạy cảm hoặc lợi dụng thông tin để tạo lợi ích từ doanh nghiệp...

Hiện báo chí cũng đang phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh khốc liệt từ mạng xã hội và thông tin không chính thống. Để vượt qua khó khăn này, Nhà báo Phạm Bích San đề xuất dừng các quy định cản trở, đồng thời tiếp tục cải cách thể chế kinh tế đối với báo chí để lực lượng này có thể tồn tại bền vững trong xã hội hiện đại; đồng thời, có giải pháp giữ lại những giá trị cần thiết cho sự phát triển của báo chí.