Bảo hiểm bắt buộc xe máy: 'Bùng nhùng' thủ tục, nguyên tắc bồi thường còn lỗ hổng

09:22, 25/05/2020

Dữ liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy trong năm 2019, mức chi bồi thường chỉ chiếm 6% so với tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc xe máy. Nếu cứ duy trì tình trạng này, sẽ tạo ra sự bất công cho người tham gia bảo hiểm.

Doanh nghiệp thu lời 30 tỉ đồng/năm

Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới năm 2019 đạt 3.590 tỉ đồng (xe ôtô là 2.825 tỉ đồng, xe máy là 765 tỉ đồng). Theo đó, chưa tính dự phòng bồi thường cho các tổn thất chưa phát sinh theo quy định, ước tính chi phí bồi thường trong năm 2019 chỉ là 972 tỉ đồng. Trong đó số tiền bồi thường cho các vụ tai nạn ôtô là 927 tỉ đồng và xe máy là 45 tỉ đồng, lần lượt tương đương 32,8% và 6% tổng doanh thu phí bảo hiểm.

Trao đổi với báo chí, ThS - Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, bản chất của bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới là nhân văn bởi loại bảo hiểm này chủ phương tiện xe cơ giới bắt buộc phải nộp vì quyền lợi của bên thứ ba, ở đây là người bị tai nạn giao thông.

Thạc sĩ Cường cho rằng, thời gian thực hiện Nghị định 103/2008 đến nay đã bộc lộ rất nhiều điểm bất cập khiến chúng ta cần phải nhìn nhận lại những quy định này để điều chỉnh cho phù hợp.Theo số liệu từ cơ quan chức năng năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỉ đồng trong khi số tiền đã bồi thường là 45 tỉ đồng, tương đương 6% doanh thu. Trung bình mỗi mỗi vụ tai nạn xe máy có mức bồi thường là 5.000.000 đồng...

Từ số liệu này, ông Cường phân tích, đây là những con số biết nói và rất đáng buồn. Thực tiễn áp dụng văn bản này qua các con số nêu trên cho thấy loại bảo hiểm này đã không phát huy được tác dụng, kỳ vọng của nó như lý do ban hành, quy định bắt buộc của chủ xe cơ giới.“Mục đích của loại bảo hiểm này là hướng đến quyền lợi của người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông, họ được bồi thường kịp thời, đầy đủ, giảm bớt đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra đồng thời giảm trách nhiệm của chủ xe cơ giới đối với vụ tai nạn. Thế nhưng, số tiền mà người tham gia bảo hiểm đã đóng góp và số quyền lợi mà người được hưởng là nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông lại chênh lệch đến mức giật mình, chỉ khoảng 6% số tiền thu được. Với hơn 20 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thu lời gần 30 tỉ đồng/năm, riêng đối với loại bảo hiểm bắt buộc là một nghịch lý. Bởi vậy, chắc chắn sẽ có đề suất về tăng mức bồi thường hoặc giảm số tiền mua loại bảo hiểm đối với chủ xe cơ giới” - luật sư Cường nhận định.

Cũng theo luật sư Cường, loại bảo hiểm này quy định bắt buộc bởi 2 lý do chính là quyền lợi của người bị nạn được bồi thường và người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện sẽ không phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên qua thực tiễn cho thấy cả 2 mục tiêu đều chưa đạt được, thể hiện ở chỗ: Có những vụ tai nạn giao thông hậu quả thiệt hại về người mức bồi thường ít nhất phải vài trăm triệu đồng. Có những vụ lên đến cả tỉ đồng nếu điều trị dài ngày nạn nhân mới chết trong khi đó loại bảo hiểm này quy định mức bồi thường tối đa trong trường hợp này chỉ có 100.000.000 đồng là không hợp lý.Khi phải mua loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc thì người gây tai nạn vẫn phải tiếp tục bồi thường cho gia đình nạn nhân có khi hàng trăm triệu nữa. Đây là lý do khiến cả phần lớn người tham gia giao thông cũng như chủ phương tiện không thiết tha gì với loại bảo hiểm này.


Có một nguyên nhân nữa là thủ tục để nhận khoản bảo hiểm này thì phần lớn người mua không biết và rất rắc rối. Bởi vậy không ít người đã bỏ cuộc hoặc không nghĩ đến chuyện sẽ yêu cầu cơ quan bảo hiểm bồi thường thay. Thêm vào đó, thái độ phiền hà, sách nhiễu, hách dịch của cán bộ bảo hiểm sẽ làm cho câu chuyện nhận tiền bảo hiểm khó như lên trời...

“Bùng nhùng” thủ tục

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2019 tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỉ đồng, số tiền đã bồi thường là 45 tỉ đồng. Như vậy, tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu là 6%. 
Với tỷ lệ bồi thường chỉ dưới 10%, biên lợi nhuận cao nên thực tế một số công ty bảo hiểm đang chi trả mức hoa hồng cho tổng đại lý lên tới 50% – 60%, vượt quá mức tối đa 20% như Bộ Tài chính quy định.

Ông Phùng Ngọc Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính thừa nhận, hồ sơ bồi thường đối với bảo hiểm xe máy gây khó khăn cho người mua bảo hiểm do thủ tục rườm rà. Đặc biệt, đó là việc thu thập các tài liệu liên quan đến tai nạn giao thông từ các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan Công an.
Theo vị này, trên thực tế khi xảy ra tai nạn, có trường hợp gọi cơ quan chức năng thì được trả lời hai bên nên tự thỏa thuận. Cũng có tình trạng chủ xe báo có tai nạn nhưng người của công ty bảo hiểm không đến ngay…

Trên lý thuyết, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc dành cho chủ xe mô tô đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc bồi thường từ bảo hiểm xe máy là việc làm “không tưởng” và cũng chưa thấy ai được “hưởng lợi” từ loại hình này.

Vậy, việc duy trì và xây dựng loại hình bảo hiểm này trở nên thiết thực hơn hay bãi bỏ khi có quá nhiều thủ tục rườm rà… là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.

PV (t/h)