Bạo lực với trẻ em bị xử phạt lên tới 20 triệu đồng
Từ 1/1/2022, các hành vi bạo lực với trẻ em như bắt nhịn ăn, chửi mắng, đe dọa... sẽ bị xử phạt lên tới 20 triệu đồng.
Hình minh họa.
Đây là nội dung được quy định trong Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
Theo đó, vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em được quy định cụ thể (Điều 22) như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
- Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
- Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
- Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật có thể bị xử phạt lên đến 40 triệu đồng (Điều 11):
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật;
- Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con hợp pháp của người khuyết tật;
- Cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;
- Cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;
- Cản trở người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận công nghệ thông tin.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ đối với người cao tuổi (Điều 18):
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Cản trở người cao tuổi sống chung với con, cháu hoặc sống riêng;
- Cản trở người cao tuổi thực hiện quyền về sở hữu tài sản, quyền tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, nghỉ ngơi và các quyền hợp pháp khác;
- Không miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội đối với người cao tuổi;
- Không ưu tiên người cao tuổi nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi người cao tuổi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác;
- Không thực hiện chi trả khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước cho người cao tuổi theo quy định.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc thực hiện các hình thức đối xử tồi tệ khác với người cao tuổi.
Nghị định này có hiệu lực từ 01/01/2022 và thay thế Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngà 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
PV