Hà Nội đẩy mạnh 'xanh hóa' giao thông: Thúc đẩy hạ tầng trạm sạc

11:53, 24/07/2025

Thành phố Hà Nội đang khẩn trương triển khai các giải pháp trọng tâm nhằm sớm phủ sóng trạm sạc, phục vụ quá trình "xanh hóa" phương tiện giao thông trên địa bàn.

Việc quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới trạm sạc tích hợp với hạ tầng điện đang được coi là chìa khóa để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về giao thông xanh của Thủ đô.

Chuyển đổi ấn tượng và mục tiêu táo bạo

Tính đến tháng 7 năm 2025, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc chuyển đổi phương tiện vận tải công cộng xanh. Thành phố đã đưa vào hoạt động 16 tuyến buýt điện với 248 xe, chiếm 12,86% tổng số xe buýt trợ giá, vượt kế hoạch đề ra cho năm 2025.

Với tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu: toàn bộ xe buýt trên địa bàn sẽ sử dụng điện và năng lượng xanh. Cùng với đó, việc chuyển đổi xanh cũng được đẩy mạnh đối với xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Hiện tại, 47,4% xe taxi và 46,5% xe hợp đồng dưới 9 chỗ tại Hà Nội là xe điện. Đáng chú ý, 23 hãng taxi đã cam kết chuyển đổi 100% phương tiện sang sử dụng điện vào cuối năm 2030. Dịch vụ xe đạp công cộng TNGo với 1.100 xe và 118 điểm/trạm cũng là một điểm sáng, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố xanh.

xanh hoa giao thong1

Hà Nội đang khẩn trương triển khai các giải pháp trọng tâm nhằm sớm phủ sóng trạm sạc 

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026, trong Vành đai 2 từ ngày 1/1/2028. Đồng thời, thành phố cũng sẽ hạn chế ô tô cá nhân dùng xăng, diesel trong Vành đai 2 từ ngày 1/1/2028 và mở rộng ra Vành đai 3 từ ngày 1/1/2030.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long thừa nhận thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề lớn nhất là hạ tầng trạm sạc còn hạn chế, thiếu quy chuẩn chung về trạm sạc và đầu sạc, gây khó khăn cho việc sử dụng chung giữa các hãng xe. Ngoài ra, chưa có quy hoạch tổng thể về mạng lưới điện và hạ tầng trạm sạc, đặc biệt là trong khu vực nội đô. Việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng trạm sạc cũng còn thiếu khung pháp lý cụ thể về quản lý và giá dịch vụ. Tâm lý e ngại về độ bền và phạm vi hoạt động của xe điện vẫn còn tồn tại trong cộng đồng.

Một số ý kiến cho rằng, việc phát triển hệ thống trạm sạc hiện nay chủ yếu do khối tư nhân chủ động xây dựng, dẫn đến hạn chế trong khả năng chia sẻ hạ tầng. Do đó, cần có quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới hạ tầng trạm sạc xe điện công cộng trên toàn quốc, đảm bảo mức độ bao phủ và hiệu quả dùng chung để tránh lãng phí.

Liên quan đến vấn đề nguồn điện, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội khẳng định năng lực hiện tại của ngành điện đủ để cung ứng điện cho quá trình chuyển đổi năng lượng của ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2026-2030, nhu cầu lớn sẽ đòi hỏi phải xác định rõ số lượng trạm sạc cần xây dựng hằng năm theo từng loại công suất để đảm bảo điều phối điện hiệu quả.

Để tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu như thực tế đang diễn ra, các sở, ngành đề xuất cần có một cơ quan chức năng chủ trì, phối hợp với 126 xã, phường của Hà Nội để rà soát, xác định vị trí, diện tích và nguồn gốc đất, phục vụ chuyển đổi mục đích sử dụng, bố trí cho trạm sạc. Từ đó, cập nhật phương án trình thành phố làm cơ sở triển khai.

xanh hoa giao thong

Hà Nội đẩy mạnh 'xanh hóa' giao thông 

Cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo thành phố

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thống nhất kết luận chuyển đổi phương tiện giao thông “xanh” là nhiệm vụ cấp thiết, cần triển khai quyết liệt, khẩn trương theo các chỉ đạo của Chính phủ, HĐND và UBND Thành phố.

UBND thành phố giao Sở Xây dựng rà soát các quy định, tiêu chuẩn pháp luật liên quan; phối hợp với Sở Công Thương thống nhất tiêu chuẩn, quy chuẩn về trạm/trụ sạc điện cho các phương tiện xe điện. Phối hợp với Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường và UBND các xã, phường cập nhật quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng hệ thống trạm/trụ sạc tại bến xe, bãi đỗ, trạm dừng nghỉ, khu vực công cộng. Xây dựng “Đề án chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng xanh”.

Thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 28/5/2025, phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện; báo cáo, đề xuất UBND Thành phố ban hành trong năm 2025. Nghiên cứu tổ chức các tuyến mini buýt, sử dụng phương tiện năng lượng điện trong khu vực vành đai 1 để phục vụ người dân và khách du lịch.

Phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch; hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng; báo cáo UBND Thành phố trong tháng 8/2025, làm cơ sở trình HĐND Thành phố trước ngày 30/9/2025.

Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Xây dựng, Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 1 và đơn vị liên quan xây dựng quy trình, thủ tục cho vay giúp doanh nghiệp vận tải và phát triển hạ tầng phương tiện “xanh” dễ tiếp cận vốn.

Các Sở, ngành Thành phố và UBND các xã, phường tăng cường tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp, tạo đồng thuận triển khai kế hoạch chuyển đổi giao thông “xanh”; giao Sở Xây dựng - Tổ trưởng Tổ công tác theo Quyết định số 3763/QĐ-UBND ngày 14/7/2025, tiếp tục tổng hợp vướng mắc, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo xử lý.