Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc: ‘Lá chắn’ ngăn chặn nạn hàng giả
Truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ cho phép kiểm soát toàn bộ hành trình của sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào đến khâu phân phối cuối cùng. Thông qua mã QR, RFID, blockchain hay phần mềm truy xuất dữ liệu điện tử, người tiêu dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể kiểm tra được nguồn gốc, nhà sản xuất, ngày sản xuất, điều kiện vận chuyển và nhiều thông tin quan trọng khác của sản phẩm.
Những năm gần đây, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang trở thành vấn nạn nhức nhối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, uy tín thương hiệu và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa được đánh giá là giải pháp mang tính đột phá, giúp nâng cao tính minh bạch, bảo vệ người tiêu dùng và chống lại các hành vi gian lận thương mại.
Ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa giúp nâng cao tính minh bạch, bảo vệ người tiêu dùng và chống lại các hành vi gian lận thương mại. (Ảnh minh họa)
Truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ cho phép kiểm soát toàn bộ hành trình của sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào đến khâu phân phối cuối cùng. Thông qua mã QR, RFID, blockchain hay phần mềm truy xuất dữ liệu điện tử, người tiêu dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể kiểm tra được nguồn gốc, nhà sản xuất, ngày sản xuất, điều kiện vận chuyển và nhiều thông tin quan trọng khác của sản phẩm.
Nhờ vậy, các sản phẩm chính hãng dễ dàng khẳng định được giá trị, trong khi các sản phẩm giả mạo bị loại khỏi thị trường vì không thể cung cấp thông tin minh bạch. Đây là rào cản mạnh mẽ ngăn chặn sự tồn tại của hàng giả và hàng nhái vốn dựa vào sự thiếu thông tin để đánh lừa người tiêu dùng.
Đối với doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả mà còn là công cụ bảo vệ thương hiệu trước sự xâm nhập của hàng giả mạo. Khi sản phẩm được gắn mã truy xuất, bất kỳ sự xâm nhập nào vào chuỗi cung ứng cũng dễ dàng bị phát hiện. Việc này giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín và tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Bá Chính, quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, hàng giả chia làm 3 nhóm, giả thương hiệu, giả chất lượng và giả xuất xứ. Một loạt các vụ việc về hàng giả, hàng nhái bị phát hiện trong thời gian qua gây ảnh hưởng đến việc sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam và ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia.
Theo ông Chính, để thực thi hiệu quả Nghị quyết số 57/NQ-TW về chuyển đổi số, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Từ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển đến phân phối... mọi khâu cần được số hóa và kết nối, nhằm bảo đảm tính minh bạch, nâng cao năng lực kiểm soát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Chính ví dụ về quy trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, việc ghi chép bằng phương pháp thủ công không chỉ làm tăng nguy cơ sai sót mà còn dễ bị lợi dụng để làm giả hồ sơ, làm sai lệch thực tế sản xuất. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính minh bạch và độ tin cậy của sản phẩm.
Ngược lại, nếu ứng dụng công nghệ để ghi chép nhật ký sản xuất điện tử theo thời gian thực, doanh nghiệp có thể quản lý toàn trình chuỗi cung ứng một cách minh bạch, chính xác, góp phần khẳng định chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bền vững.
Ông Chính nhận thấy mặc dù hiện nay chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhưng một khi đã triển khai, doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ theo quy định các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc đã ban hành; mọi hành vi cung cấp thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ đều có thể bị coi là hành vi gian dối đối với người tiêu dùng.
Từ thực tiễn triển khai, các chuyên gia đánh giá, truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng không còn bị động trong việc phân biệt thật – giả mà có thể tự mình tra cứu thông tin sản phẩm một cách nhanh chóng, chính xác. Đây là yếu tố rất quan trọng trong cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả – một cuộc chiến không thể chỉ do lực lượng chức năng và doanh nghiệp tiến hành, mà cần sự tham gia của toàn xã hội.