Bệnh viện 'không giấy tờ': Thay đổi để… không tụt lại
Các Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương... đang dần chuyển mình theo mô hình 'bệnh viện không giấy tờ'...
Các bệnh viện đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), bệnh án điện tử, hệ thống chẩn đoán hình ảnh, thanh toán trực tuyến để nâng cao hiệu quả điều trị và tối ưu hóa quy trình quản lý bệnh viện.
Người dân gặp thuận lợi từ mô hình 'bệnh viện không giấy tờ'. Ảnh: BV Bạch Mai
Nhiều thuận lợi cho bệnh nhân
Bị đau đầu, đi lại khó khăn, các biểu hiện ngày càng tăng dần, ông Vũ Trọng Hùng (65 tuổi, ở Hải Phòng) quyết định lên Hà Nội để thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Khoảng 10 giờ sáng, bệnh nhân tới bệnh viện và được điều dưỡng tiếp đón, khai thác tiền sử bệnh cũng như hoàn thành thủ tục các chỉ định xét nghiệm, chụp X-quang.
Sau hơn 1 giờ, tất cả các khâu từ thăm khám, truyền thuốc, chỉ định dịch vụ và chụp chiếu cộng hưởng từ của người bệnh đã thực hiện xong. “Tôi thấy việc bệnh viện áp dụng chuyển đổi số giúp bệnh nhân tiết kiệm được thời gian, chi phí. Tôi rất hài lòng”, ông Hùng chia sẻ.
Tâm lý hài lòng của người dân về công tác khám, chữa bệnh của Bệnh viện Bạch Mai ngày càng gia tăng mạnh từ sau khi cơ sở y tế này triển khai hệ thống bệnh án điện tử vào tháng 11/2024. Không chỉ người bệnh, các nhân viên y tế tại đây cũng đánh giá cao sự thuận tiện và nhanh chóng mà hệ thống này mang lại.
Bệnh nhân chỉ cần quét mã căn cước công dân, các thông tin cá nhân và bệnh sử được hiển thị ngay lập tức, giúp quá trình phân luồng và thăm khám diễn ra nhanh chóng, tiện lợi.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, hiện nay, bệnh viện không cần in giấy tờ và phim chụp, thay bằng bệnh án điện tử, dự kiến tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách y tế. Dữ liệu hệ thống cho phép liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở, giảm việc làm lại các xét nghiệm không cần thiết.
Cùng với việc áp dụng chuyển đổi số toàn diện, các bác sĩ chỉ cần cầm máy tính bảng để đi buồng khám. Tất cả kết quả khám, chụp, thông tin bệnh án của người bệnh, thuốc sử dụng... được thể hiện hết trên thiết bị. Đặc biệt, chữ ký số cũng đã được áp dụng để thuận tiện trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.
Đẩy nhanh tiến độ
Ở tuyến Trung ương, các Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương... đang dần chuyển mình theo mô hình “bệnh viện không giấy tờ”, nhằm giảm tải áp lực cho cả bệnh nhân và y bác sĩ. Cùng với đó, những bước chuyển mình mạnh mẽ cũng đang diễn ra tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành y tế, đặt mục tiêu trong năm 2025, toàn bộ các cơ sở y tế trên địa bàn hoàn thành triển khai bệnh án điện tử.
Đến nay, 100% đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thành công bệnh án điện tử. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và Trung tâm Y tế huyện Yên Phong đã thí điểm thành công mô hình bệnh viện không giấy tờ.
Còn tại tỉnh Hưng Yên, hiện nay, 100% bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh đã ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện. 100% số nhà thuốc, quầy thuốc, cơ sở y tế đã kết nối liên thông cơ sở dữ liệu dược quốc gia, hệ thống kê đơn thuốc quốc gia. 100% số cơ sở y tế được cấp phép khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng sử dụng căn cước công dân có gắn chíp đăng ký khám, chữa bệnh thay thế thẻ bảo hiểm y tế.
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, giải pháp y tế 4.0 hiện nay bao gồm: Số hóa lịch sử bệnh án; điều hướng bệnh nhân và y tế từ xa; hỗ trợ quyết định lâm sàng bằng cách sử dụng các mô hình trí tuệ nhân tạo để giảm gánh nặng cho y bác sĩ. Ngoài ra, còn có chiến thuật y tế cộng đồng bằng cách quản lý các bệnh mạn tính, theo dõi bệnh nhân từ xa, hỗ trợ toàn dân có lối sống khỏe mạnh.
Tuy nhiên, những số liệu thống kê cũng mới chỉ ra rằng, công tác chuyển đổi số của ngành y tế trên cả nước còn chậm. Đơn cử, theo lộ trình của Thông tư số 46/2018 quy định hồ sơ bệnh án điện tử, đến cuối năm 2023, 135 bệnh viện hạng 1 phải triển khai thành công hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử và khuyến khích các cơ sở y tế khác tham gia.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, cả nước mới có 94 cơ sở y tế thông báo đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đạt tỷ lệ 23,7%. Trong đó, có 32 bệnh viện hạng 1; 44 bệnh viện hạng 2; 4 phòng khám và 14 bệnh viện tư nhân. Những số liệu mới từ Bộ Y tế ghi nhận, đến nay, có 142 cơ sở khám, chữa bệnh tại 29 địa phương trên cả nước sử dụng bệnh án điện tử.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trên toàn quốc, với yêu cầu hoàn thành mục tiêu này trong tháng 9/2025. Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Y tế yêu cầu Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo chủ trì việc sửa đổi, cập nhật thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (thay thế Thông tư 46/2018/TT-BYT) trong tháng 4/2025. Giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn thiện bộ danh mục thuật ngữ lâm sàng và các chỉ số cận lâm sàng để áp dụng trong hồ sơ bệnh án điện tử, yêu cầu hoàn thành vào tháng 4/2025.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các cơ sở y tế các bộ, ngành và các bệnh viện trên toàn quốc lập kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị. Bảo đảm hoàn thành việc triển khai tại tất cảc bệnh viện trên toàn quốc chậm nhất vào tháng 9/2025. |