Bệnh viện không giấy tờ
10 bệnh viện đầu tiên trên toàn quốc đã áp dụng bệnh án điện tử. Đây là bước quan trọng để thực hiện “Bệnh viện không giấy tờ”.
Kiểm soát lạm dụng dịch vụ
PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế, cho biết: Hiện 100% các bệnh viện (BV) trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý; 10 BV và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; 23 BV đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Một số BV đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán điều trị bệnh ung thư. Hơn 1.000 BV đã tham gia hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth.
Hơn 1.000 bệnh viện đã tham gia hệ thống Telehealth, qua đó các bác sĩ giỏi tại tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới chẩn đoán, điều trị ca bệnh khó.
TS Trần Quý Tường ước tính, mỗi BV cần trung bình 6 tháng để hoàn thiện phần mềm bệnh án điện tử, với điều kiện phần mềm hiện có. Chi phí đầu tư ban đầu cho các phần mềm trong BV mức cao nhất khoảng 160 tỉ đồng. Hầu hết các BV đều đã có nền tảng ban đầu, mức chi phí trung bình khoảng 20 - 30 tỉ đồng. Giá thành trong chi phí dịch vụ y tế chiếm khoảng 0,6 - 3% tổng doanh thu của BV. Đây là mức chi phí mà các BV có thể thực hiện được.
“Hiện có 10/1.400 BV trên cả nước đã thực hiện bệnh án điện tử thành công. Bệnh án điện tử phải quyết liệt mới làm được, bởi hồ sơ này không đơn thuần về y học, sức khỏe mà còn có tính pháp lý”, ông Tường cho biết thêm.
Theo quy định, bệnh án thông thường phải lưu trữ 10 năm; bệnh án đặc biệt liên quan pháp y, tranh chấp phải lưu trữ 20 năm. Trong suốt thời gian dài lưu trữ, BV phải đảm bảo tính bảo mật, không bị mất dữ liệu, trích xuất được khi cần.
Ông Tường đánh giá, bệnh án điện tử là yếu tố quan trọng để thực hiện BV thông minh, BV không giấy tờ, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ y tế. Tại các đơn vị đã thực hiện, bệnh án điện tử cho hiệu quả rất rõ. Các vấn đề chưa phù hợp về chuyên môn nếu xảy ra (kê đơn thuốc, chỉ định sử dụng các dịch vụ cận lâm sàng...) được phát hiện kịp thời. “Bệnh án điện tử giúp kiểm soát lạm dụng kê đơn, chỉ định dịch vụ, vì tất cả các thông tin này đều thể hiện trên hệ thống”, ông Tường cho biết.
Theo chương trình chuyển đổi số y tế, đến năm 2025, 15% (khoảng 210) BV trên toàn quốc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt.
Có thể tiết kiệm cả ngàn tỉ đồng
Theo Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế, phần lớn BV đã triển khai phần mềm tương tác thuốc, phần mềm xét nghiệm. Trong đó, phần mềm xét nghiệm là một trong các giải pháp hữu hiệu để kiểm soát lạm dụng xét nghiệm trong BV cũng như giữa các BV, khi có bệnh nhân được chuyển viện. Các dữ liệu liên thông giữa các BV cho phép theo dõi thời điểm thực hiện các dịch vụ cho bệnh nhân, kết quả xét nghiệm, từ đó có các chỉ định phù hợp, thay vì chỉ định thêm khi chưa cần thiết.
Đáng lưu ý, theo TS Trần Quý Tường: “Cả nước hiện có 23 BV đã có hệ thống lưu trữ và chuyển tải hình ảnh thay cho in phim, giảm chi phí cho dịch vụ chẩn đoán hình ảnh”. Mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 4.000 tỉ đồng tiền mua phim. Khi PACS triển khai rộng rãi tại các BV, người bệnh sẽ tiết kiệm được chi phí rất lớn, vì các kết quả chụp chiếu đều được lưu giữ trên hệ thống.
Châu Anh (T/h)