BHXH Việt Nam: Nỗ lực triển khai chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm
Ngày 13/7 tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị về chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam nhằm tăng cường các giải pháp phục vụ, hỗ trợ người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị.
Công cuộc chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động làm trung tâm.
Chiều 13/7/2021, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì Hội nghị về chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam, nhằm tăng cường các giải pháp phục vụ, hỗ trợ người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Tham dự hội nghị có các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; cùng thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Nền tảng sẵn sàng cho chuyển đổi số
Tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Lê Nguyên Bồng đã báo cáo về tình hình triển khai một số nội dung liên quan đến công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và triển khai nâng cấp dịch vụ, tiện ích ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”.
Đây là những nền tảng quan trọng phục vụ công tác chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam bên cạnh việc hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, xây dựng các phần mềm, thu thập dữ liệu của ngành những năm qua.
Theo đó, để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã rà soát, chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của ngành để cung cấp cho cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm các thông tin theo quy định; đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đồng bộ, hoàn thiện cơ sở dữ liệu.
Phối hợp Bộ Công an chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý; ký cam kết bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật thông tin trong kết nối đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với đơn vị và từng cá nhân tham gia vào hệ thống theo yêu cầu của Bộ Công an...
Đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện việc rà soát đối chiếu hàng triệu thông tin cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngày 28/5/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức triển khai việc xác thực thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam và trên ứng dụng VssID...
Đồng thời, từ khi ra mắt ứng dụng VssID đến nay, ứng dụng đã không ngừng được cải tiến, nâng cấp. Hiện ứng dụng có nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như: cung cấp các thông tin về thẻ bảo hiểm y tế; quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế; thông tin hưởng các chế độ một lần (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp); sổ khám, chữa bệnh cung cấp lịch sử khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của người tham gia.…
Đặc biệt, với phiên bản 1.5.4, ứng dụng thêm tính năng cho phép người dùng đăng ký tài khoản giao dịch điện tử cho con dưới 18 tuổi; tính năng hiển thị hình ảnh cá nhân tại màn hình "Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế" giúp việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng để khám, chữa bệnh thêm thuận tiện, chặt chẽ…
Kế hoạch triển khai chuyển đổi số
Tại Hội nghị nhiều ý kiến, đề xuất triển khai công tác chuyển đổi số của ngành. Theo đó, mục tiêu của ngành là nhanh chóng hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm để có dữ liệu nguồn đẩy mạnh thực hiện các tiện ích, DVC trên ứng dụng VssID, triển khai trí tuệ nhân tạo trong quản lý và phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Hiện nay, ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% DVC mức độ 4 của Ngành, tích hợp trên Cổng DVC Quốc gia. DVC của BHXH Việt Nam đang được cung cấp qua dịch vụ bưu chính công ích (VNPOST); cung cấp qua IVAN; DVC thanh toán cung cấp qua các Ngân hàng (đã có 5 DVC của Ngành đã được cung cấp trên ứng dụng VssID).
Về kế hoạch triển khai trong thời gian tới, BHXH Việt Nam xác định, nâng cao công tác phục vụ, hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tốt hơn qua việc chuyển đổi số với các mục tiêu, dự kiến như: Tiếp tục tái cấu trúc lại thủ tục hành chính và DVC phù hợp với xu thế chuyển đổi số và tình hình CSDL của ngành; triển khai 100% DVC trên ứng dụng VssID; tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên ứng dụng và Cổng DVC của Ngành; số hoá đầy đủ kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục mở rộng danh mục dữ liệu mở để phát triển Chính phủ số; tiếp tục hoàn thiện Cổng DVC theo kiến trúc Chính phủ điện tử mới; nghiên cứu mở tổng đài tư vấn, hỗ trợ 24/7; nâng cấp, mở rộng khả năng chỉ đạo, điều hành; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích, xử lý dữ liệu; triển khai hệ thống quản lý rủi ro của ngành…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, những năm qua, việc ứng dụng CNTT của ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có hướng đi đúng, đặt nền tảng quan trọng, vững chắc cho việc chuyển đổi số của Ngành, góp phần vào thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia.
CSDL của Ngành ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, sẵn sàng liên thông với CSDL quốc gia và các Bộ, ngành, địa phương. Các phần mềm, ứng dụng của Ngành không ngừng được nâng cấp, cải tiến, kết nối, liên thông, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Qua những đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước, có thể khẳng định ngành BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng CNTT vào quản lý, thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu chủ quan, không bước tiếp, bước nhanh, Ngành sẽ tụt lùi, nhất là trong xu thế, yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ của các Bộ, ngành và toàn xã hội hiện nay.
Chuyển đổi số là một nhiệm vụ rất quan trọng của ngành BHXH Việt Nam và những nhiệm vụ, mục tiêu trong thời gian tới mà ngành đang đặt ra là rất lớn. Để thực hiện tốt công tác này, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung, cụ thể hoá nhiệm vụ của từng đơn vị trong công tác chuyển đổi số của ngành để góp ý cụ thể hơn vào kế hoạch; hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, hoàn thiện các phần mềm, ứng dụng, dữ liệu để kết nối, liên thông; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành huy động sự vào cuộc, hỗ trợ trong các vấn đề liên quan; các dự án CNTT cần nhanh chóng hoàn thiện, xử lý dứt điểm các tồn tại bởi trong chuyển đổi số nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật là vô cùng quan trọng, để duy trì sự ổn định, thông suốt. Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo mật, an toàn thông tin khi CSDL của Ngành ngày càng lớn và có tính thiết yếu với mỗi người dân, người lao động.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng lưu ý, công cuộc chuyển đổi số của ngành có khối lượng công việc rất lớn nên cần có lộ trình, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động làm trung tâm.
Bên cạnh việc chuyển đổi số của toàn bgành thì mỗi đơn vị, cán bộ trong ngành cũng cần có sự chuyển đổi để phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trà My (T/h)