BHXH Việt Nam ứng dụng nền tảng số, dữ liệu số để thúc đẩy dịch vụ công trên môi trường số
Trong hai ngày 30-31/3, tại thành phố Hải Phòng, BHXH Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng “Nền tảng số, dữ liệu số để thúc đẩy dịch vụ công trên môi trường số".
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: nguồn báo Nhân Dân
Tham dự hội thảo, về phía BHXH Việt Nam có ông Nguyễn Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, ông Bùi Minh Đức - Giám đốc BHXH TP Hải Phòng, đại diện lãnh đạo 13 BHXH tỉnh, thành phố. Về phía các đại biểu quốc tế có đại diện các cơ quan an sinh xã hội các nước khu vực Mekong: Campuchia, Lào, Myanmar và 70 điểm cầu trực tuyến từ các chuyên gia, tổ chức thành viên ASEAN trên thế giới.
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của Ngành BHXH Việt qua đó đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH, BHYT.
Trong những năm qua cơ chế hợp tác giữa các nước khu vực Mekong như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã và đang có những đóng góp hết sức quan trọng đối với sự phát triển chung của khu vực, thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế, cải thiện cuộc sống người dân, an ninh - ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của các nước trong khu vực. Nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác giữa BHXH Việt Nam và các đối tác trong lĩnh vực ASXH tại các nước Lào, Campuchia, Myanmar, tại hội thảo này, BHXH Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm về công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thiết kế, vận hành hệ thống và thúc đẩy dịch vụ công (DVC) trên môi trường số trong lĩnh vực ASXH; đồng thời cũng trao đổi kinh nghiệm, đưa ra các khuyến nghị về việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh nguồn BHXH Việt Nam
Nhấn mạnh về những nỗ lực, kết quả đạt được trong lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, BHXH Việt Nam đã triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số đặc biệt hệ thống DVC. Theo đó, công tác chuyển đổi số của Ngành tiếp tục có những bước tiến vững chắc, đặc biệt là trong việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Công tác này đã và đang mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của Ngành, góp phần kiến tạo và xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam số theo đúng định hướng về Chính phủ số của Đảng, Nhà nước ta.
Hiện tại, ngành BHXH Việt Nam có gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT; quản lý cơ sở dữ liệu của 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với trên 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, hơn 620.000 tổ chức, doanh nghiệp và các bộ, ngành; cung cấp DVC trực tuyến cho toàn bộ các thủ tục hành chính của Ngành… Mỗi năm, ngành BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý gần 300 triệu lượt hồ sơ giao dịch điện tử.
Đặc biệt, từ cuối năm 2020, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số” để cung cấp các dịch vụ, tiện ích thiết thực cho người tham gia, thụ hưởng trong việc: Tra cứu thông tin tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện các DVC với cơ quan BHXH; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng khi đi KCB thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy… giúp người dùng ứng dụng tiết kiệm thời gian, chi phí. Ngoài phiên bản tiếng Việt, hiện ứng dụng còn được được cung cấp với 04 thứ tiếng nước ngoài, bao gồm tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Đến nay, đã có khoảng 30 triệu người dân đăng ký sử dụng ứng dụng này.
Cùng với đó, thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định BHXH Việt Nam là đơn vị chủ quản của cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (đây là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, được Chính phủ ưu tiên triển khai) BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ban hành danh mục dữ liệu mở, sẵn sàng kết nối, chia sẻ với các Bộ, ngành, địa phương.
Đại diện Trung tâm Công nghệ Thông tin (BHXH Việt Nam) trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: nguồn BHXH Việt Nam
Tại hội thảo, đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) đã trình bày các chuyên đề: CSDL quốc gia về Bảo hiểm thúc đẩy hiện đại hóa ngành BHXH Việt Nam và góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia; Kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và triển khai ứng dụng VssID. Các đại biểu khu vực Mekong trình bày các chuyên đề: Chuyển đổi kỹ thuật số của Quỹ An sinh xã hội Quốc gia Campuchia (NSSF); Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu của Cơ quan An sinh xã hội Quốc gia Lào; Thực trạng chuyển đổi số ở Myanmar; Quỹ trợ giúp xã hội quốc gia dẫn đầu chuyển đổi; Chuyển đổi số và phát triển bền vững cho hiện tại và tương lai.
Với chủ đề “Quỹ trợ giúp xã hội quốc gia dẫn đầu chuyển đổi”, Phó Tổng Giám đốc Quỹ trợ giúp xã hội Campuchia Hour Tola đã đưa ra cái nhìn tổng quan về chính sách số tại Camphuchia, đồng thời đưa ra ưu điểm và mặt tích cực thực trong thực nghiệm một số chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội dựa trên những số liệu thu thập cụ thể.
Đại diện cơ quan an sinh xã hội Campuchia trình bày tham luận. Ảnh: nguồn BHXH Việt Nam
Trong tham luận “Thực trạng chuyển đổi số ở Myanmar”, ông Ei Ei Mon đến từ Bộ Lao động An sinh xã hội Myanmar đã giới thiệu một số trọng tâm trong chuyển đổi số an sinh xã hội tại Myanmar như việc triển khai hệ thống định danh điện tử quốc gia; hệ thống dành cho người lao động nước ngoài; hệ thống thanh toán trực tuyến cho người nộp thuế; hệ thống quản lý hồ sơ điện tử và quản lý cá nhân của chính phủ.
Với một số điểm tương đồng về lao động cũng như bối cảnh kinh tế - xã hội, các chuyên gia tham dự Hội thảo tin tưởng có thể đem lại những đóng góp hữu ích trong lĩnh vực chuyển đổi số, góp phần vào thành công chung trong việc phát triển chuyển đổi số của các nước trong khu vực…
Trong năm qua, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục quyết liệt triển khai, vận hành hệ thống CNTT của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và DN toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH, BHYT.
Các chuyên gia tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: nguồn BHXH Việt Nam
Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 (do Bộ TT-TT công bố), BHXH Việt Nam đứng thứ 3 trong Bảng xếp hạng và đứng đầu trong Khối cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ. Trong xếp hạng chuyển đổi số, BHXH Việt Nam có nhiều chỉ số chính đạt thứ hạng cao như: Nhân lực số xếp thứ 1; Hoạt động chuyển đổi số xếp thứ 2; Nhận thức số xếp thứ 3.
Những thành tựu trong công tác chuyển đổi số của BHXH Việt Nam được nhiều đối tác, tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế… đánh giá cao và khuyến khích chia sẻ tới các đối tác tại các nước trong khu vực Tiểu vùng Mekong để nghiên cứu, học tập. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cũng đề xuất BHXH Việt Nam chủ động giúp đỡ, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chuyển đối số trong lĩnh vực an sinh xã hội đối với các đối tác Lào, Campuchia và Myanmar.
Phương Mai (T/h)