Biohacker bí mật săn tìm vaccine cho virus corona
Các biohacker thuộc cộng đồng công nghệ sinh học trực tuyến khắp thế giới đang góp sức cùng các nhà khoa học tìm ra các giải pháp điều chế vaccine đối phó đại dịch Covid-19.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu, các câu hỏi khoa học chưa có đáp án, hậu cần tê liệt, tạo ra những thách thức trong phản ứng toàn cầu với virus corona, đã khiến nhiều người tìm kiếm giải pháp và khơi dậy phong trào sinh học tự làm (DIY), The Guardian đưa tin.
Được thúc đẩy bởi sự không an toàn trong tiếp xúc trực tiếp, sinh viên, các nhà khoa học, nhà phát triển và chuyên gia y tế đã tìm đến các diễn đàn sinh học trực tuyến trong những tuần gần đây để tìm kiếm giải pháp trong việc điều chế vaccine tiềm năng, cũng như phương thức thử nghiệm lâm sàng.
Josh Perfetto, người sáng lập công ty khởi nghiệp thử nghiệm sinh học ở Santa-Clara California, cũng là thành viên của diễn đàn trực tuyến DIYbio, một diễn đàn của các nhà khoa học DIY, cho biết cộng đồng trực tuyến này đã tồn tại trong nhiều năm.
Ông Perfetto người sáng lập công ty cho biết: “Sinh học tự làm từng là lĩnh vực bên lề, nhưng tôi nghĩ rằng nó đang ở vào thời điểm đột phá cho những thứ như DIY, phòng thí nghiệm cộng đồng. Ngay trước khi chúng ta đối mặt với virus corona, điều này đang bắt đầu trở thành một nhu cầu lớn, bởi đây không phải là đại dịch cuối cùng”.
Các biohacker thuộc cộng đồng công nghệ sinh học trực tuyến khắp thế giới đang góp sức cùng các nhà khoa học.
Những nỗ lực DIY xuất hiện khi hơn 200.000 ca nhiễm Covid-19 được xác nhận trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đã ban hành những quy định mới trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của virus. Trong bối cảnh khủng hoảng lan rộng, liên minh khoa học trực tuyến quốc tế Just One Giant Lab (JGOL), ngày 4/3 đã kêu gọi các thành viên hợp tác để phát triển các giải pháp đối phó với dịch bệnh.
Kể từ đó, nhóm đã chứng kiến lượng tương tác kỷ lục, 380 thành viên là các nhà khoa học từ trên toàn thế giới đang hợp tác cùng nhau để phát triển các giải pháp đối phó với Covid-19. Các thành viên liên lạc với nhau thông qua kênh nhắn tin Slack, gọi điện thoại và video quốc tế hàng tuần.
Mục tiêu ban đầu của nhóm là phát triển phương pháp mã nguồn mở để xét nghiệm virus một cách an toàn bằng cách sử dụng các công cụ phổ biến nhất có thể. Nhưng các dự án khác cũng bắt đầu được triển khai, như phầm mềm theo dõi sự lây lan của virus, hay những cách dễ tiếp cận hơn để làm khẩu trang và máy thở.
Các thành viên của JGOL hy vọng sẽ tạo ra các giải pháp khả thi để có thể phân phối cho các tổ chức phi chính phủ, sau khi được hội đồng tư vấn an toàn sinh học của JGOL kiểm tra.
Minh Phương