BKAV: Virus máy tính gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD tại Việt Nam trong năm 2021
Thống kê năm 2021, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam lên đến 24,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,06 tỷ USD). Đây là kết quả được đưa ra từ chương trình Đánh giá an ninh mạng dành cho người sử dụng cá nhân do Tập đoàn Bkav thực hiện được công bố ngày 19/1.
Theo Bkav, mặc dù thay đổi nhận thức về an ninh mạng của người dùng có dấu hiệu khả quan nhưng Việt Nam vẫn luôn là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm mã độc và hứng chịu các cuộc tấn công mạng thuộc nhóm cao trên thế giới.
Không những thế, mức độ sử dụng máy tính và các thiết bị thông minh tại Việt Nam đã tăng đột biến bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, đây chính là môi trường lý tưởng để virus bùng phát và lây lan mạnh. Chính vì vậy, đã có 70,7 triệu lượt máy tính bị nhiễm virus trong năm 2021.
Thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam lên đến 24,4 nghìn tỷ đồng.
Điểm lại những năm gần đây cho thấy, mức độ thiệt hại do virus máy tính gây ra liên tục tăng trong những năm qua. Cụ thể, nếu như năm 2015, mức thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam là 8.700 tỷ đồng thì đến năm 2016, con số này đã lên mức 10.400 tỷ đồng. Đến năm 2017 với các điểm nóng về gia tăng tấn công trên thiết bị IoT, bùng nổ tin tức giả mạo, mã độc đào tiền ảo, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng đã lên tới 12.300 tỷ đồng.
Sang năm 2018, con số này tiếp tục tăng lên 14.900 tỷ đồng, tương đương 642 triệu USD, nhiều hơn 21% so với mức thiệt hại của năm 2017. Đến năm 2019 con số này tiếp tục tăng lên tới 20.892 tỷ đồng (902 triệu USD), vượt xa con số 14.900 tỷ đồng của năm 2018. Trong năm 2020, mức độ thiệt hại đã lên tới 23.900 tỷ đồng.
Thống kê đánh giá của Bkav đã ghi nhận trong năm 2021 đã có 70,7 triệu lượt máy tính bị nhiễm virus. Đây là báo động đỏ cho tình hình an ninh mạng tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm mã độc và hứng chịu các cuộc tấn công mạng thuộc nhóm cao trên thế giới. Không những thế, mức độ sử dụng máy tính và các thiết bị thông minh tại Việt Nam đã tăng đột biến bởi ảnh hưởng của COVID-19, là môi trường lý tưởng để virus bùng phát và lây lan mạnh.
Theo các chuyên gia, người sử dụng vẫn có thói quen dùng phần mềm không bản quyền, không được cập nhật thường xuyên, dẫn tới máy tính không được bảo vệ liên tục. Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc (Anti Malware) của Bkav cho biết, chỉ khoảng 10% máy tính đang sử dụng tại Việt Nam được trang bị phần mềm diệt virus có khả năng tự động cập nhật và có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất. Một con số quá nhỏ để xây dựng được một hệ “miễn dịch cộng đồng”. Mỗi máy tính bị nhiễm mã độc là nguồn tiếp tục lây nhiễm virus cho các máy tính khác, ông Sơn nói.
Năm 2021 cũng là một năm đầy biến động của các loại tiền số (coin) và các loại hình kinh doanh liên quan đến tiền số khi vốn hóa của các đồng tiền số đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD. Điều này kéo theo số lượng tấn công mã hóa dữ liệu đòi trả tiền chuộc bằng coin tăng mạnh.
Tại Việt Nam, số lượt máy tính bị virus mã hóa dữ liệu tấn công trong năm 2021 lên tới hơn 2,5 triệu lượt, cao gấp 4,5 lần so với năm 2020. Đa số người sử dụng Việt Nam vẫn còn lúng túng, chưa biết cách ứng phó khi máy tính bị mã hóa dữ liệu.
Hơn 99% người tham gia chương trình Đánh giá an ninh mạng 2021 chọn làm theo hướng dẫn trả tiền với hy vọng lấy lại được dữ liệu của mình từ hacker
Theo các chuyên gia an ninh mạng, cách làm này không những người dùng có thể không lấy lại được dữ liệu mà còn mất tiền oan. Theo đó, người dùng cần phòng vệ một cách chủ động, thiết lập các biện pháp bảo vệ an toàn cho dữ liệu, đặc biệt cần có cơ chế sao lưu dữ liệu định kỳ.
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, người dùng đã thích ứng hơn với hình thức làm việc, ăn, chơi… online. Tuy nhiên, các chuyên gia Bkav khuyến cáo, người dùng cần tăng ý thức cẩn trọng trước những chiêu trò lừa đảo dưới hình thức tặng quà hấp dẫn. Hiện nay, có ba chiêu thức lừa đảo phổ biến nhất là: gọi điện thông báo trúng thưởng; mời chào mua hàng để tiếp tục nhận mã trúng thưởng và nhắn tin trúng thưởng qua Facebook.
Khôi Nguyên (T/h)