Bộ Công Thương tăng cường việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Ngoài việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương còn xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cùng cơ sở dữ liệu sản phẩm.
Xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc
Trong thời gian qua, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã phối hợp cùng Vụ Pháp chế và các cơ quan chức năng liên quan để thực hiện việc rà soát thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, triển khai và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý.
Dựa trên kết quả rà soát năm 2024 và các quy định pháp luật hiện hành, Vụ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất xây dựng Thông tư quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm thuộc phạm vi Bộ Công Thương quản lý, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025.
Căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, như Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ, cùng với nhu cầu thực tiễn về việc tăng cường minh bạch và đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, Vụ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất 8 nhóm sản phẩm bắt buộc phải áp dụng truy xuất nguồn gốc, bao gồm: bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột và tinh bột, bánh, mứt, kẹo, và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.
Theo Bộ Công thương cần xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hoá.
Đặc biệt, Vụ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thuộc Bộ Công Thương tại địa chỉ https://votas.vn/. Hệ thống này bảo đảm kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng cập nhật thông tin sản phẩm vào Hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, với sự phối hợp của các đơn vị chức năng liên quan, trong đó có Vụ Khoa học và Công nghệ, đã thực hiện khảo sát nhu cầu quản lý và triển khai truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa ngành Công Thương. Bước đầu, phương hướng kỹ thuật và thiết kế chi tiết đối với hệ thống Cổng thông tin điện tử về truy xuất nguồn gốc đã được xác lập, tạo cơ sở hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ việc kết nối với Cổng thông tin quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại tại https://itrace247.com/. Hệ thống này giúp doanh nghiệp tận dụng công cụ số để xây dựng hình ảnh và thương hiệu sản phẩm, tăng cường xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, hệ thống cũng giúp người tiêu dùng trải nghiệm quy trình sản xuất sản phẩm, hiểu rõ giá trị lịch sử, địa lý và các phương thức chăm sóc sản phẩm. Việc gắn tem truy xuất iTrace247 trên sản phẩm với thông tin hiển thị bằng các ngôn ngữ yêu cầu sẽ giúp đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin từ thị trường nhập khẩu. Hiện tại, iTrace247 đang nâng cấp với công nghệ chuỗi khối để đảm bảo tính minh bạch và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khác nhau.
Áp dụng công nghệ mới
Ngoài các giải pháp đã đề cập, Vụ Khoa học và Công nghệ còn tích cực thực hiện nhiệm vụ triển khai và đề xuất các nghiên cứu khoa học nhằm phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc.
Các giải pháp này sẽ làm cơ sở để đề xuất hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân nghiên cứu, phát triển, thí điểm và mở rộng ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó tạo nền tảng cho Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ triển khai.
Cụ thể, Vụ Khoa học và Công nghệ đã và đang thực hiện nghiên cứu, khảo sát và đánh giá nhu cầu xây dựng các cơ chế như: đồng thuận, bảo mật dữ liệu, kiểm tra tính hợp lệ thông tin, tự động hóa quy trình xác thực, giao diện cho người dùng để theo dõi tình trạng sản phẩm, phân tích dữ liệu lịch sử để dự báo nhu cầu và cảnh báo rủi ro chuỗi cung ứng, hệ thống phân quyền truy cập dữ liệu theo nhu cầu thực tế, phương pháp phát hiện và phản ứng với các mối đe dọa an ninh mạng, và khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Trong năm 2024, Vụ Khoa học và Công nghệ đã kết hợp công tác tuyên truyền và phổ biến mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các đợt kiểm tra liên ngành, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp trong ngành Công Thương. Đồng thời, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan để tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật đối với các cơ quan chuyên môn địa phương và các đối tượng liên quan.
Về việc xây dựng trang thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hoàn thành và đưa vào hoạt động trang web https://truyxuat.gov.vn.
Vụ Khoa học và Công nghệ còn tích cực thực hiện nhiệm vụ triển khai và đề xuất các nghiên cứu khoa học nhằm phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc.
Để triển khai Đề án về hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan như Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xúc tiến thương mại, Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo Đề án được thực hiện đúng mục tiêu, quy định pháp luật và kế hoạch đã đề ra.
Hàng năm, Vụ sẽ giám sát quá trình triển khai, giải quyết khó khăn vướng mắc và đưa ra các khuyến nghị kịp thời, giúp các đơn vị thực hiện đúng tiến độ và chất lượng. Trong thời gian tới, Vụ sẽ tăng cường tư vấn pháp lý, giới thiệu chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật khi có vấn đề phát sinh và đề xuất các giải pháp tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án.
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong năm 2025, Vụ sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền về mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án và các nội dung liên quan đến truy xuất nguồn gốc, đồng thời đề xuất nghiên cứu, xây dựng mô hình hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức khoa học công nghệ trong lĩnh vực này.
Trong năm 2024, Vụ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị trong Bộ: Vụ Pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai các nhiệm vụ: Xây dựng và ban hành Thông tư quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm; xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc; tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, hợp tác quốc tế.