Bộ GDĐT chỉ đạo khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng

15:57, 05/05/2025

Trong xu thế chuyển đổi, sáp nhập, nhiều lĩnh vực ngành nghề phải tinh giản biên chế. Trong khi đó, ngành giáo dục lại thiếu rất nhiều biên chế. Có nơi, học sinh phải nghỉ học nhiều tháng vì thiếu giáo viên.

Có tới gần 60.000 biên chế chưa sắp xếp được nhân lực

Thông tin từ Bộ GDĐT cho biết, tính đến hết kỳ I năm học 2024-2025, cả nước còn khoảng gần 60.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng. Các cấp học mầm non, phổ thông công lập cũng thiếu khoảng 120.000 giáo viên.

Theo đó, Bộ GDĐT vừa có văn bản gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tuyển dụng, sử dụng chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

Nội dung văn bản chỉ rõ, Bộ GDĐT khẩn trương phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung đủ 65.980 giáo viên biên chế cho các địa phương theo Quyết định số 72-QĐ/TW.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung sau:

Chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (bao gồm biên chế được giao chưa sử dụng và biên chế được bổ sung năm học 2024-2025). Không để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng giáo viên.

Thực hiện các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên như: Thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng; có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên về công tác tại địa phương; đặt hàng đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo theo nhu cầu của địa phương; tăng cường bồi dưỡng giáo viên sử dụng thông thạo tiếng dân tộc thiểu số nhưng chưa qua các lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng về dạy học bằng ngôn ngữ này,...

Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng năm học, từng cấp học, môn học từ năm học 2026-2027 đến năm học 2030-2031 và báo cáo Bộ.

Bên cạnh việc rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục; các địa phương cũng cần chú ý việc thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Tình trạng thiếu giáo viên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy và học ở nhiều địa phương (Ảnh minh họa)

Hàng nghìn học sinh phải nghỉ học nhiều ngày vì thiếu giáo viên

Trước đó, cũng về vấn đề thiếu giáo viên, Sở GDĐT Thanh Hóa thông tin, có hơn 2.700 học sinh ở 9 trường tiểu học và THCS huyện Lang Chánh phải dừng dạy môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc trong hai tháng do thiếu giáo viên.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh, cụ thể có hơn 1.760 học sinh ở tiểu học, còn lại là THCS (lớp 6-9) phải nghỉ học thời gian dài do thiếu giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc. Phòng tháo gỡ bằng cách điều động giáo viên ở các trường khác đến dạy kiêm nhiệm. Tuy nhiên, vẫn còn hai trường tiểu học là Yên Khương và Yên Thắng với gần 650 học sinh phải nghỉ môn Tin học.

Theo ông Sơn, lý do là toàn huyện hiện còn thiếu 92 giáo viên, nhiều nhất ở tiểu học. Số giáo viên thiếu chủ yếu ở các môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật. Trong đó, Tiếng Anh và Tin học là hai môn bắt buộc từ lớp 3, theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nhân của trường Tiểu học Yên Khương cho hay tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm qua. Những năm trước, huyện đều phải điều giáo viên dạy liên trường, nhưng việc bố trí giáo viên các môn này cũng rất khó khăn.

Theo các trường, việc học sinh bị gián đoạn môn Tiếng Anh và Tin học ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng dạy học. Cụ thể, với môn Âm nhạc, mỗi tháng có 8 tiết, sau này có giáo viên thì sẽ bố trí dạy bù. Nhưng lo nhất là môn tiếng Anh (24 tiết/tháng), nếu để dồn từ kỳ I sang kỳ II thì học sinh phải học cả ngày, rất vất vả và chất lượng không đạt như bình thường.

Về vấn đề này, tỉnh Thanh Hóa đã giao cho huyện Lang Chánh 58 chỉ tiêu ký hợp đồng theo Nghị định 111 của Chính phủ (người lao động được hưởng chế độ, chính sách của nhà nước). Tuy nhiên, ông Sơn cho hay đến tháng 5 mới tuyển được 25 người.

Đầu năm học 2024-2025, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đề xuất ký hợp đồng khoán việc với 92 giáo viên dạy thêm giờ. Trong bốn tháng của học kỳ I, số kinh phí cần cho việc này khoảng hai tỷ đồng, số chi học kỳ II tương tự. Tuy nhiên, huyện chưa bố trí được nguồn tiền để chi trả.

Ngoài Lang Chánh, nhiều huyện ở Thanh Hóa cũng đang thiếu giáo viên. Như huyện Mường Lát thiếu 76 người, huyện Bá Thước thiếu 38 người, chủ yếu vẫn là những môn theo chương trình mới như Tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học.

Thống kê năm 2023 cho biết, cả nước hiện thiếu khoảng 100.000 giáo viên. Trong đó, Thanh Hóa là tỉnh thiếu nhiều nhất, khoảng 10.000 người. Năm học này, tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 2.700 biên chế, HĐND cho ký hợp đồng lao động với 3.800 người. Tuy nhiên, ngành giáo dục mới tuyển được khoảng một nửa.

Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ cũng có nhiều lý do. Một trong những lý do chính là nhiều sinh viên lên Hà Nội hoặc vào những TP lớn như Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang đã ở lại các tỉnh làm việc, do điều kiện và môi trường sống tốt hơn. Mặt khác, việc vào biên chế các tỉnh thực tế còn nhiều khó khăn, bất cập.