Bộ GD&ĐT lấy ý kiến về việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục và đào tạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư quy định về cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo.
Cơ sở dữ liệu về giáo dục bao gồm thông tin về mạng lưới cơ sở giáo dục, thông tin cơ bản về giáo viên, giảng viên, về quá trình học tập, kết quả học tập của học sinh, sinh viên...
Dự thảo nêu rõ mục đích của việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về GD&ĐT, như công tác báo cáo, thống kê, theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo và thanh tra, kiểm tra trong ngành giáo dục dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và công nghệ số. Đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng kinh tế số, xã hội số và chính phủ số theo định hướng của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Danh mục CSDL về GD&ĐT được xây dựng và cung cấp thống nhất trong toàn ngành, bao gồm: Cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, cơ sở dữ liệu về giáo dục phổ thông, cơ sở dữ liệu về giáo dục thường xuyên, cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học, cơ sở dữ liệu về giáo dục khác.
Nội dung của CSDL về giáo dục mầm non gồm các thông tin mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non như: Thông tin định danh cơ sở giáo dục, loại hình giáo dục, thông tin cơ bản về điểm trường; thông tin về hệ thống lớp mẫu giáo, nhóm trẻ, danh sách lớp học, nhóm tuổi; thông tin cơ bản của giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục về thông tin chung, trình độ chuyên môn; thông tin cơ bản về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em…
Nội dung của CSDL về giáo dục phổ thông (bao gồm các cấp tiểu học, THCS, THPT) gồm: Thông tin định danh cơ sở giáo dục, loại hình giáo dục, thông tin cơ bản về điểm trường chính và các điểm trường (nếu có); thông tin cơ bản về danh sách lớp học, lớp ghép, học 2 buổi/ngày, lớp học bán trú, lớp học ngoại ngữ; thông tin cơ bản của giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục về trình độ chuyên môn, đào tạo và bồi dưỡng; thông tin về hồ sơ lý lịch, quá trình học tập, kết quả học tập của học sinh; thông tin tài chính…
Nội dung của CSDL về giáo dục đại học gồm: Thông tin về danh mục ngành đào tạo như khối ngành, lĩnh vực, nhóm ngành, ngành chuẩn; thông tin cơ bản về chương trình đào tạo, loại chương trình, khóa đào tạo, loại hình đào tạo, chuẩn đầu ra và các thông tin khác theo quy định; thông tin cơ bản của giảng viên, nhân viên, cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về thông tin chung, trình độ chuyên môn; thông tin người như hồ sơ lý lịch, tuyển sinh, quá trình học tập, kết quả học tập, rèn luyện, văn bằng, ra trường có việc làm và các thông tin khác theo quy định; thông tin tài chính; thông tin về các chương trình, dự án hợp tác quốc tế; đội ngũ cán bộ, sinh viên là người nước ngoài…
Theo dự thảo, thông tin trong CSDL về GD&ĐT được sử dụng thống nhất trên toàn quốc, có giá trị pháp lý trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.
Việc sử dụng thông tin trong CSDL về GD&ĐT được thực hiện thông qua tài khoản được cấp, qua trục kết nối trao đổi dữ liệu hoặc văn bản. Việc sử dụng thông tin trong CSDL về GD&ĐT phải tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu dữ liệu và bảo vệ an toàn thông tin cá nhân.
Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và các cơ sở giáo dục được quyền khai thác, sử dụng dữ liệu trong phạm vi quản lý; ban hành quy định nội bộ về quản lý, sử dụng, khai thác thông tin, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm quản lý và khai thác sử dụng thông tin từ các tài khoản người dùng; tiếp nhận và xử lý những góp ý, khiếu nại đối với dữ liệu trong thẩm quyền quản lý.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài ngành GD&ĐT nếu có nhu cầu sử dụng thông tin từ CSDL về GD&ĐT có thể đề nghị đơn vị quản lý theo phân cấp cung cấp và sử dụng thông tin theo quy định của pháp luật.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
PV