Bộ GD&ĐT ra 4 yêu cầu dạy và học với cấp tiểu học nhằm khắc phục tác động của dịch COVID-19

15:27, 26/08/2021

Ngày 26/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn 3636 về việc hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với cấp tiểu học năm học 2021 – 2022 gửi các địa phương. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc tổ chức dạy học đối với học sinh lớp 1, lớp 2.

Bộ GD&ĐT đưa ra 4 yêu cầu để thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tác động của dịch COVID-19 đối với việc dạy và học cho đối tượng học sinh lớp 1, 2, trong bối cảnh học sinh không thể đến trường. 

Theo Bộ GD&ĐT, các nhà trường cần yêu cầu giáo viên chủ động liên hệ và hướng dẫn cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình học sinh; lựa chọn những nội dung cần thiết để hướng dẫn cha mẹ học sinh tổ chức các hoạt động giáo dục ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng tâm thế vào học lớp 1 và duy trì việc học tập đối với học sinh lớp 2.

Chủ động khảo sát, nắm bắt thông tin đầy đủ về đối tượng học sinh trong độ tuổi lớp 1, lớp 2 trên địa bàn để tham mưu chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với học sinh gặp khó khăn, gia đình không có thể hỗ trợ các em học tập trong thời gian ở nhà; sẵn sàng cho kịch bản dạy học trực tiếp khi học sinh trở lại trường học tập, có phương án tăng cường riêng cho đối tượng học sinh gặp khó khăn. 

Bộ GD&ĐT ra 4 yêu cầu dạy và học với cấp tiểu học nhằm khắc phục tác động của dịch COVID-19.

Với việc tổ chức dạy học trực tuyến, theo Bộ GD&ĐT, các địa phương, nhà trường phải tổ chức với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lí lứa tuổi đối với học sinh lớp 1, lớp 2; Khi tổ chức các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến.

Giáo viên được hướng dẫn sử dụng phần mềm, có các kĩ năng cần thiết khi tổ chức dạy học trực tuyến; phụ huynh học sinh được thông báo lịch học, hướng dẫn sử dụng và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phối hợp cùng giáo viên hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học trực tuyến tại nhà.

Thời khóa biểu phải được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học, thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không gây áp lực đối với học sinh.

Bộ GDĐT cũng cho rằng khi tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1, 2 thì cần ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán, đảm bảo giúp học sinh hình thành kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, kĩ năng tính toán và các kĩ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định. 

Trong trường hợp không đủ điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến theo quy định, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp cùng phụ huynh học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” đã được Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng để giúp các em học sinh lớp 1 học phần Học vần môn Tiếng Việt (phát sóng trên kênh VTV7 và các ứng dụng khác bắt đầu từ ngày 6/9/2021 theo lịch cụ thể ).

Hướng dẫn giáo viên sử dụng các bài giảng trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” để gửi bài giảng đến phụ huynh học sinh qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Email… phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà, phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.

Bộ GDĐT cũng yêu cầu các Sở GDĐT sử dụng kho bài giảng trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” và chủ động tổ chức xây dựng kho bài giảng dùng chung cho các môn học khác để tham mưu UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo phát sóng trên đài truyền hình địa phương với khung giờ phù hợp, tạo điều kiện thuận tiện cho cha mẹ học sinh hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học tập qua truyền hình và gửi về các nhà trường để giáo viên gửi đến phụ huynh học sinh cùng phối hợp hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà.

Chân Hoàn (T/h)