Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định sách giáo khoa lớp 3, 7, 10
Chiều 5/10, Bộ GD&ĐT khai mạc Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dự và phát biểu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại khai mạc thẩm định sách giáo khoa lớp 10.
Hơn 150 bản mẫu sách giáo khoa lớp 3, 7, 10
Trong tháng 9 và tháng 10/2021, Bộ GD&ĐT đã bắt đầu tổ chức thẩm định sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT) của các lớp 3, 7, 10. Theo lộ trình, các lớp này sẽ áp dụng việc dạy học theo chương trình mới từ năm học 2022-2023.
Năm 2021, Bộ GD&ĐT nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa lớp 3 của 6 nhà xuất bản, gồm NXB Giáo dục Việt Nam; NXB Đại học Sư phạm Hà Nội; NXB Đại học Quốc gia TP HCM; NXB Đại học Sư phạm TP HCM; NXB Đại học Vinh; NXB Đại học Huế.
Có 48 bản mẫu sách giáo khoa của 11 môn học/hoạt động giáo dục lớp 3. Trong đó, môn Toán có 5 bản mẫu; mỗi môn Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên- Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Công nghệ có 3 bản mẫu; mỗi môn Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 04 bản; Tin học có 07 bản và Tiếng Anh có số lượng bản mẫu nhiều nhất với 10 bản.
Đối với lớp 7, có 47 bản mẫu SGK của 12 môn học/hoạt động giáo dục được gửi về Bộ GD&ĐT để thẩm định. Trong đó, môn Tiếng Anh có 9 bản mẫu; môn Tin học 05 bản mẫu; mỗi môn Toán, Hoạt động trải nghiệm-Hướng nghiệp, Mĩ thuật có 04 bản mẫu; các môn học còn lại, mỗi môn đều có 3 bản mẫu.
Đối với lớp 10, Bộ nhận được có 57 bản mẫu sách giáo khoa của 15 môn học/hoạt động giáo dục. Trong đó, môn Tiếng Anh có 9 bản mẫu; Tin học có 5 bản; mỗi môn Toán, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm-Hướng nghiệp; Công nghệ có 4 bản; các môn còn lại, mỗi môn có 3 bản.
Theo quy định, các Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định thành lập. Các thành viên là những nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, uy tín, được lựa chọn kỹ lưỡng. Trong đó ít nhất 1/3 số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Từng thành viên trong mỗi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 đã được nhận bản mẫu sách giáo khoa của lớp học tương ứng để thẩm định đọc, viết nhận xét cá nhân trước thời điểm họp thẩm định tập trung ít nhất 15 ngày, thậm gần 2 tháng (đối với lớp 10).
Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương đã tổ chức cho các thành viên Hội đồng thẩm định tiêm vắcxin phòng chống Covid-19; test Covid đối với 100% thành viên làm việc tập trung trực tiếp và đảm bảo đường truyền ổn định cho các thành viên họp thẩm định trực tuyến. Các quy định về hoạt động thẩm định sách giáo khoa an toàn trước diễn biến dịch Covid-19, được ban tổ chức và Hội đồng thực hiện nghiêm túc.
Kiên định vì chất lượng cuốn sách
Dự khai mạc vòng 1 thẩm định sách giáo khoa lớp 10 (ngày 05/10), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đây là công việc quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ học sinh.
Theo đó, sách giáo khoa là tài liệu cụ thể hoá CT GDPT 2018 - một chương trình chú trọng Phát triển phẩm chất và năng lực người học hài hoà đức-trí-thể-mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, thay vì chú trọng truyền thụ kiến thức cho người học. Với một chương trình giáo dục thống nhất chung cho cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và được xã hội hoá việc biên soạn để tất cả những tác giả quan tâm, am tường về giáo dục có thể phối hợp với NXB và tiến hành biên soạn.
“Việc biên soạn và thẩm định sách giáo khoa rất quan trọng và đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong các trường học trên cơ sở đề xuất của Hội đồng quốc gia thẩm định. Hội đồng chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói và nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, đồng thời đề nghị từng thành viên nêu cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm khi thực hiện công việc này.
Để làm tốt hoạt động thẩm định sách giáo khoa, từng thành viên trong Hội đồng phải nắm chắc CT GDPT 2018, từ chương trình tổng đến chương trình môn học mà hội đồng sẽ thẩm định.
Bộ GD&ĐT đã quy định rõ các yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí mà sách giáo khoa cần đảm bảo trong Thông tư 33 Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Trong đó sách cần đảm bảo đường lối chính sách nhà nước; đảm bảo tính liên thông giữa các cấp học, môn học, khối học; đảm bảo tinh giản, thiết thực, cập nhật và có tính kế thừa những ưu điểm của các bản sách giáo khoa hiện hành.
“Mỗi tác giả có quan điểm và cách thể hiện sách khoa khác nhau nhưng tất cả sách giáo khoa đều phải đảm bảo tính chuẩn mực, khoa học, sư phạm. Đây là sản phẩm xuất bản có tính đặc thù; mỗi cuốn sách có hàng triệu học sinh mỗi thế thệ sẽ sử dụng.
Do đó, đề nghị các Hội đồng thẩm định đặc biệt quan tâm và bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí sách giáo khoa được quy định trong Thông tư 33 cũng như những chỉ báo mà Bộ đã xây dựng. Quá trình thẩm định sách, các Hội đồng cần làm việc nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, kiên định với mục tiêu chất lượng của cuốn sách”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói, lần nữa yêu cầu tính trách nhiệm, bản lĩnh của các thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Với số lượng bản mẫu nhiều; khối lượng kiến thức lớn, đặc biệt đối với lớp 10 độ khó còn tăng lên, Thứ trưởng đề nghị các Hội đồng nghiên cứu kỹ lưỡng từng câu chữ, kênh chữ, kênh hình của bản mẫu để loại bỏ tối đa những “hạt sạn” ngay từ vòng thẩm định 1. Những bản mẫu “Đạt nhưng cần sửa chữa” hoặc “Không đạt”, Hội đồng cần trao đổi rõ để tác giả sách giáo khoa hiểu và chỉnh sửa phù hợp.
Đồng hành và chia sẻ với công việc của Hội đồng thẩm định, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý độc lập từ các nhà khoa học, giáo viên… cho các bản mẫu sách giáo khoa, thêm kênh phản biện, giúp Hội đồng thực hiện tốt nhất hoạt động thẩm định, đánh giá chất lượng cuốn sách.
Bộ GD&ĐT rất tin tưởng, ghi nhận và cảm ơn các thầy cô đã tham gia các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Tôi hi vọng với năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm và sự tâm huyết của mình, các thầy cô sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này để góp phần tạo ra sản phẩm thực sự có chất lượng, đóng góp vào sự phát triển chung của công cuộc đổi mới giáo dục đào tạo. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ |
Theo/giaoducthoidai.vn