Bộ KH&CN đồng hành cùng địa phương trong chuyển đổi số, xây dựng mô hình chính quyền hai cấp
Tọa đàm “Chuyển đổi số – Cầu nối ‘sống còn’ giữa hai cấp chính quyền địa phương” đã ghi nhận nhiều chia sẻ quan trọng từ đại diện các bộ, ngành, chuyên gia. Trong đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long nhấn mạnh loạt giải pháp cụ thể mà Bộ đã triển khai nhằm hỗ trợ các địa phương trong chuyển đổi số, vận hành chính quyền hai cấp một cách hiệu quả, không gián đoạn.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức chính quyền địa phương, Bộ KH&CN xác định việc xây dựng nền tảng số là yếu tố then chốt, giúp giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả và đảm bảo vận hành thông suốt sau sáp nhập. Ngày 7/4/2025, Bộ đã ban hành hướng dẫn gửi đến các tỉnh, thành phố về quy trình, thủ tục nâng cấp hệ thống thông tin, phục vụ điều hành và giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn bộ máy.
TP.HCM được chọn làm điểm thí điểm, do đây là địa phương thực hiện sáp nhập quy mô lớn, hệ thống thông tin phức tạp. Bộ đã phối hợp UBND TP.HCM và các doanh nghiệp công nghệ số nâng cấp 5 hệ thống thông tin phục vụ mô hình chính quyền mới. Sau giai đoạn thử nghiệm, Bộ tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn nâng cấp hệ thống, đảm bảo áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.
Ngày 16/6, Bộ tổ chức tập huấn triển khai hệ thống thông tin cho tất cả 63 tỉnh, thành. Đến ngày 19/6, Bộ tham mưu cho Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tổ chức 5 cuộc họp trực tuyến với toàn bộ bộ, ngành, địa phương nhằm triển khai Kế hoạch 02 – thực hiện Nghị quyết 57 của Ban Chỉ đạo Trung ương về thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả.
Một trong những yêu cầu quan trọng là các bộ, ngành phải công khai quy trình thủ tục hành chính liên quan đến phân cấp, phân quyền theo 28 Nghị định, để tránh tình trạng ách tắc ở cấp địa phương khi không đủ căn cứ pháp lý thực hiện. Bộ KH&CN cũng chỉ đạo doanh nghiệp công nghệ phối hợp địa phương triển khai quy trình nội bộ, cấu hình thủ tục hành chính trên các hệ thống thông tin. Đồng thời, yêu cầu bố trí ít nhất 2 kỹ thuật viên tại mỗi xã để tập huấn và hỗ trợ cán bộ địa phương vận hành hệ thống, xử lý thủ tục cho người dân.
Không chỉ có vậy, hai doanh nghiệp bưu chính lớn là VNPost và Viettel Post cũng được yêu cầu cử người thường trực tại các xã mới để hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Đến nay, hơn 12.000 cán bộ của các doanh nghiệp công nghệ số đã tham gia triển khai tại 3.219 xã, cùng với sự hỗ trợ từ lực lượng công an, quân đội và sinh viên tình nguyện.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, tính đến ngày 30/6, hệ thống thông tin và chuyển đổi số tại hơn 3.200 xã đã vận hành trơn tru, bảo đảm cung cấp dịch vụ công, điều hành chính quyền và hội nghị truyền hình từ Trung ương đến địa phương một cách hiệu quả khi mô hình chính quyền hai cấp chính thức triển khai từ 1/7/2025.
Mục tiêu cuối cùng, theo Thứ trưởng Phạm Đức Long là bảo đảm không gây phiền hà, không làm gián đoạn giao dịch của người dân, hướng đến phục vụ hiệu quả, thuận tiện, kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trương Việt Dũng đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình chính quyền hai cấp, cải cách hành chính và chính quyền số tại Thủ đô sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57. Ông Dũng nhấn mạnh, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố xác định đây không chỉ là một nghị quyết về công nghệ mà còn là bước tái thiết mô hình quản trị đô thị. Hà Nội triển khai dựa trên 3 trụ cột: Đồng bộ – Dữ liệu – Chủ động.
Đồng bộ trong tổ chức thực hiện từ cấp Thành ủy đến từng cán bộ xã/phường. Dữ liệu là nền tảng quan trọng, giúp đưa ra quyết định chính xác, theo thời gian thực. Chủ động là yếu tố quyết định. Hà Nội vận dụng phương châm "vừa chạy, vừa xếp hàng", vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm. Hàng loạt tổ/nhóm được thành lập để xử lý vướng mắc thực tế từ phản ánh của cán bộ và người dân.
Chỉ sau 3 tuần vận hành, TP.Hà Nội đã tiếp nhận 66.000 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Toàn bộ bộ máy chính quyền hai cấp hiện đã vận hành ổn định, thông suốt. Thành phố đặc biệt chú trọng đến người già, người khuyết tật, người nộp thuế… với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau". Cán bộ đã đến tận nơi hỗ trợ thay vì để người dân yếu thế phải đến các trung tâm hành chính công.
Theo ông Trương Việt Dũng, bài học lớn nhất là: Nguồn lực bắt đầu từ tư duy; Động lực bắt nguồn từ đổi mới; Sức mạnh xuất phát từ nhân dân. “Công nghệ chỉ là công cụ, con người là trung tâm; đồng bộ trong chỉ đạo, dữ liệu trong vận hành và chủ động trong triển khai” – đây là phương châm mà Hà Nội đã áp dụng để triển khai thành công Nghị quyết 57 trong thời gian qua.
Những nỗ lực quyết liệt của Bộ KH&CN và các địa phương như Hà Nội đã góp phần đặt nền móng vững chắc cho mô hình chính quyền hai cấp – vận hành thông suốt, hiện đại, phục vụ người dân hiệu quả trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long, tiêu chuẩn rất quan trọng, tiêu chuẩn là để dẫn đường. Một quốc gia muốn đi đến đâu, muốn phát triển thế nào thì tiêu chuẩn sẽ dẫn dắt quốc gia đi đến đấy. Tương tự như thế, chuyển đổi số muốn chuyển đổi thế nào, muốn đi đến đâu thì chúng ta phải xây dựng các bộ tiêu chuẩn để làm việc này.
Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây cũng đã ban hành một số tiêu chuẩn. Tuy nhiên, mới chỉ tập trung vào các tiêu chuẩn của hệ thống thông tin, chưa tập trung nhiều vào tiêu chuẩn về chuyển đổi số. Ví dụ như chất lượng của các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính như thế nào, chúng ta chưa có. Trong năm nay và năm 2026 sẽ tập trung ban hành các hệ thống tiêu chuẩn về chuyển đổi số.
Nếu không ban hành tiêu chuẩn này thì các doanh nghiệp cũng không biết đâu mà làm. Cứ xây dựng các hệ thống chất lượng khác nhau, dẫn đến dịch vụ công người dân được trải nghiệm khác nhau, rồi chính quyền điều hành cũng khác nhau, thì khó liên thông đồng bộ. Nếu có chẳng qua chỉ là những cái cơ bản, còn chuyên sâu không được. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung ban hành, xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn để phục vụ chuyển đổi số.



