Bộ NN&PTNT: Khoa học công nghệ là “trụ cột” đưa nông thôn mới đi vào chiều sâu, chất lượng
Bộ NN&PTNT xác định, thời gian tới, khoa học công nghệ tiếp tục là "trụ cột" quan trọng đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, chất lượng.
Quang cảnh Hội nghị.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổng kết Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, song Chương trình Khoa học công nghệ đã mang lại rất nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bộ NN&PTNT xác định, thời gian tới, khoa học công nghệ tiếp tục là "trụ cột" quan trọng đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, chất lượng.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, để thúc đẩy thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ. Chương trình được triển khai liên tục, có tính kế thừa từ năm 2011 đến năm 2021, qua 2 giai đoạn.
Chương trình Khoa học và công nghệ giai đoạn 2 (2016-2021), cả nước xây dựng, tuyển chọn 84 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 5 nhóm nội dung lớn với tổng kinh phí thực hiện là gần 586 tỷ đồng.
Đây là chương trình đặc thù, có mục tiêu, nội dung bao trùm hầu hết lĩnh vực phát triển nông thôn, thuộc nhiều chuyên ngành khoa học công nghệ, phạm vi nghiên cứu trải rộng trên địa bàn nông thôn toàn quốc, tác động đến nhiều đối tượng mà trung tâm là nông dân...
Qua đó, góp phần kết nối chặt chẽ nguồn lực giữa các ngành khoa học, giữa lý luận với thực tiễn, giữa nghiên cứu và chuyển giao, giữa nghiên cứu đón đầu và phục vụ kịp thời trước mắt nhu cầu sôi động của xây dựng nông thôn mới, giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân...
Trong sản xuất nông nghiệp, chương trình đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành, tăng trưởng nông nghiệp, nhất là cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, thay đổi sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào theo hướng an toàn, tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong xây dựng nông thôn mới, chương trình giúp nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp về cách tiếp cận trong phát triển nông thôn mới; phát huy vai trò các chủ thể và yếu tố cơ bản của mô hình nông thôn mới bền vững.
Theo Bộ NN&PTNT, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025, chương trình tập trung bám sát chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 19). Với định hướng "Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh", các đề tài thuộc Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới được yêu cầu phải xuất phát từ thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với đặc thù, điều kiện địa phương.
Đặc biệt, các đề tài khoa học công nghệ cần chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và lan tỏa cao trong thực tiễn; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo... Chương trình tiếp tục tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội ở vùng nông thôn...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò đặc biệt của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cho rằng từ nhu cầu thực tế, khoa học công nghệ có rất nhiều dư địa để phát triển. Về việc thực hiện chương trình trong giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "Xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học có thể từ "trên" đưa xuống nhưng cũng có thể xuất phát từ thực tiễn trên đồng ruộng của nông dân, địa phương. Chúng ta cần đặt ra câu hỏi và dùng khoa học công nghệ để giải quyết những câu hỏi đó".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đặt vấn đề: Nên tập trung thực hiện những đề tài lớn hay đề tài nhỏ? Hiện nay, các bước xây dựng, xét duyệt đề tài đang mất rất nhiều thời gian. Do đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cần tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới xây dựng danh sách đề tài trước, sau đó trao đổi, bàn bạc, rút gọn và thực hiện các bước tiếp theo để rút ngắn thời gian thực hiện đề tài.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý, nếu một đề tài tuy nhỏ nhưng có thể thực hiện ở nhiều địa phương tương đồng thì sức lan tỏa sẽ rất lớn thay vì việc thực hiện một đề tài rất lớn nhưng lại khó ứng dụng rộng rãi.
Các đề tài khoa học cũng cần được tiếp thị, quảng bá, chuyển giao đến người dân. Chỉ khi thị trường chấp nhận thì đề tài mới thành công.
"Không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ thông qua đề tài mà còn là chuyển giao tính chuyên nghiệp, sự hiểu biết, kỹ năng, chuẩn hóa cho nông dân, hợp tác xã. Mong rằng, mỗi nhà khoa học đến với nông dân chính là cơ hội giúp nông dân nâng cao tri thức, tăng năng suất lao động, tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Khôi Nguyên (T/h)