Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước từ 15/11
Mục đích là để kích thích tiêu dùng trong nước, góp phần tháo gỡ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 15/11/2021 tới 15/5/2022.
Tuy nhiên, trường hợp Nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15/11/2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định từ 1/12/2021 đến hết 31/5/2022. Do đó, tại dự thảo Nghị định trình Chính phủ, Bộ Tài chính đang để trống ngày có hiệu lực.
Theo Bộ Tài chính, chính sách này được đưa ra nhằm giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19; đồng thời kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước từ 15/11.
Về tác động tích cực của chính sách, Bộ Tài chính đánh giá việc giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ kích thích tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản.
Còn đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, chính sách này sẽ góp phần nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam.
Đối với ngân sách nhà nước, dù giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước sẽ khiến giảm số thu lệ phí trước bạ, tuy nhiên về tổng thể, tổng số thu ngân sách từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng sẽ tăng lên do lượng xe tiêu thụ tăng mạnh.
Như năm 2020, Chính phủ cũng ban hành chính sách này. Chỉ trong 6 tháng cuối năm, số thu lệ phí trước bạ giảm 7.314 tỉ đồng nhưng tổng số thu vào ngân sách tăng tới 14.110 tỉ đồng.
Tại Việt Nam, các hãng sản xuất lắp ráp ô tô lớn của nhiều nước hầu hết đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, một số nhà máy có công suất khá lớn như: Toyota, Mazda, Hyundai, Kia.
Do đó, các chính sách ưu đãi nội địa khuyến khích hoạt động sản xuất, lắp ráp của Việt Nam sẽ có lợi cho các hãng xe lớn trên thế giới. Một số nước như: Indonesia, Malaysia cũng đã và đang áp dụng chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trước tác động của COVID-19.
Bộ Tài chính cũng cho biết, đề xuất chỉ áp dụng chính sách trong vòng 6 tháng để gỡ khó cho ngành sản xuất trong nước trước tác động của đại dịch COVID-19 trong ngắn hạn.
Về dài hạn, việc áp dụng chính sách ưu đãi có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định GATT của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vì vậy, Việt Nam có thể tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số nước không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.
Trước đó, đại diện 11 nhà nhập khẩu như: Audi, Volkswagen, Subaru, Volvo, Jeep, Porsche... đã có kiến nghị tới Chính phủ về quy định hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ. Theo kiến nghị, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với ô tô cần được áp dụng chung cho cả xe lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu (CBU) để đảm bảo tính công bằng.
Chân Hoàn (T/h)