Bộ Tài chính ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động chuyên ngành

14:36, 30/08/2022

Thông tin từ Cục Tin học và thống kê tài chính, cho đến nay Bộ Tài chính đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động trên nhiều lĩnh vực và trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý và điều hành tài chính - ngân sách.

Theo đó, ở lĩnh vực kho bạc, thực hiện Quyết định số 455/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển kho bạc nhà nước đến năm 2030, hiện nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đang xây dựng Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện chiến lược và đã xin ý kiến các đơn vị thuộc bộ và sẽ trình lãnh đạo Bộ Tài chính ban hành trong thời gian sớm nhất.

Trong chiến lược phát triển KBNN và chương trình hành động của Bộ Tài chính có đề án nâng cấp TABMIS và các hệ thống công nghệ thông tin liên quan để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (đề án VDBAS).

Để triển khai chiến lược phát triển KBNN và triển khai Quyết định 824/QĐ-BTC, KBNN đã xây dựng dự thảo đề án VDBAS. Dự kiến của đề án là các nội dung cải cách nghiệp vụ quản lý ngân sách và kho bạc thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính thì sẽ hình thành nên phiên bản VDBAS 1.0 giai đoạn 2023 - 2025/2026; các nội dung cải cách nghiệp vụ quản lý ngân sách và kho bạc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ thì sẽ hình thành nên phiên bản VDBAS 2.0 giai đoạn 2025/2026 - 2028. Các nội dung cải cách xa hơn sẽ hình thành phiên bản VDBAS 3.0 giai đoạn 2028 - 2030.

Đối với lĩnh vực hải quan, đến nay Tổng cục Hải quan đã cơ bản hoàn thành bài toán yêu cầu nghiệp vụ với việc rà soát, tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan của các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan và xây dựng chức năng phục vụ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) mới (khoảng 15.261 chức năng); hoàn thành yêu cầu kỹ thuật với rà soát, hoàn thiện yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống CNTT mới, bao gồm từ yêu cầu phần mềm ứng dụng, phần cứng, hạ tầng kỹ thuật, an ninh, an toàn, chuyển đổi dữ liệu, đào tạo người sử dụng, hỗ trợ người sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng, quản trị vận hành, yêu cầu đối với việc ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong các bài toán nghiệp vụ hải quan; tính toán dự toán thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số...

Về lĩnh vực chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tập trung xây dựng và nâng cấp các hệ thống để phục vụ công tác giám sát các đối tượng tham gia thị trường và giám sát giao dịch trên thị trường chứng khoán, UBCKNN đã triển khai hệ thống công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (IDS) và hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán (MSS).

Về định hướng đầu tư trong thời gian tới, UBCKNN xây dựng hệ thống công nghệ thông tin mới, hiện đại và đồng bộ để phục vụ cho công tác quản lý và giám sát thị trường chứng khoán Việt Nam. Hệ thống bao gồm nhiều cấu phần nghiệp vụ, áp dụng để quản lý và giám sát các đối tượng do UBCKNN quản lý và giám sát; đáp ứng yêu cầu công nghệ đồng bộ và an toàn, sẵn sàng trao đổi chia sẻ dữ liệu; đặc biệt là sự kết nối, trao đổi dữ liệu giữa UBCKNN với các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; kết nối chia sẻ dữ liệu giữa UBCKNN với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan./.

PV