Bộ Thông tin & Truyền thông nhận diện 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam

12:07, 07/04/2023

Tại buổi họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chiều ngày 6/4, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đã thông tin các sai phạm của nền tảng xuyên biên giới TikTok tại Việt Nam.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT gần đây qua phản ánh báo chí, và công tác quản lý nhà nước 6 vi phạm của TikTok đã được xác định gồm:

- Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.

- Sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.

- Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc,…

- Không quản lý hoạt động của các Idol TikTok nên để nhiều Idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này. Cụ thể là việc cho phép thách đấu trực tuyến, Idol TikTok có thể được người xem tặng quà, càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền. Điều đáng nói là TikTok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được.

- Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền.

- Không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác.

Việc tự ý quay phim, sử dụng hình ảnh người khác khi chưa được sự đồng ý của họ là vi phạm như theo Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh; Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ phải bồi thường theo Điều 592 Bộ luật Dân sự. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

Hệ luỵ của những vi phạm trên là môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội; Khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc; Khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp; Nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.

Các ví dụ về những vi phạm này đã được Cục PTTH&TTĐT chi ra là tin giả; xuyên tạc về chính trị; nội dung nhảm nhí, phản cảm; Video có nội dung xuyên tạc về việc Việt Nam xâm lược Trung Quốc; Nội dung độc hại, nguy hiểm với trẻ em. Các trend độc hại như Trào lưu giả làm người thân để trêu đùa trẻ em; Trào lưu “hướng nghiệp, chọn ngành học”; Trào lưu cô đồng bổ cau "đúng nhận, sai cãi"; Nhạc chế nhảm; Bóc phốt, đấu tố; Thách đấu trực tuyến…

Cục PTTH&TTĐT cũng cho biết đây là thời cực thịnh của video ngắn, và các nền tảng xuyên biên giới khác cũng học hỏi TikTok, và lan truyền lên Fabook Reels và Youtube Shorts.

Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT Lê Quang Tự Do.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ TT&TT đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, Youtube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Bộ TT&TT cũng phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm. Tuy nhiên với các nền tảng mạng xã hội (MXH) sử dụng thuật toán như TikTok đang “lách” để bộ công cụ không thể tự động rà quét, phát hiện vi phạm khiến công tác xử lý vi phạm trên TikTok gặp khó khăn.

Với lượng thông tin khổng lồ sản sinh mỗi ngày trên các nền tảng MXH như TikTok như hiện nay, nếu các MXH đối phó, không hợp tác chủ động chặn lọc triệt để bằng các thuật toán thì những việc chặn gỡ nội dung vi phạm sẽ kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông,.. để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng Cục Thuế… kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam; Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ; Nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét bao gồm cả hình ảnh, video;

Tổ chức hội nghị với các mạng lưới đa kênh (MCN) của Youtube, TikTok, Facebook để tăng cường hiệu quả quản lý về việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam giữa các MXH xuyên biên giới với các MCN/KOLs; Xây dựng kế hoạch truyền thông để thúc đẩy, hình thành các xu hướng ứng xử văn hóa mạng lành mạnh;

Bộ TT&TT cũng phối hợp với Bộ Công Thương quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của TikTok Shop tại Việt Nam.

Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT nhấn mạnh sau khi kiểm tra toàn diện TikTok vào tháng 5/2023, Bộ TT&TT sẽ cùng các Bộ đưa ra giải pháp phù hợp bởi nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào phải tuân thủ pháp luật nước sở tại nếu không tuân thủ thì không được chào đón.

Kiên quyết xử lý mạnh tay các sai phạm

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết thêm Bộ TT&TT đã dùng nhiều phương pháp cả về kinh tế, kỹ thuật, pháp luật, truyền thông và kêu gọi các sản phẩm hợp pháp của Việt Nam phải thể hiện trách nhiệm không chuyển tiền cho các dòng nội dung xấu độc trên nền tảng xuyên biên giới, lên án hoạt động sáng tạo nội dung lệch chuẩn, phản cảm, vi phạm pháp luật, có hại cho xã hội, trong đó xem xét trách nhiệm của các đơn vị, kênh trung gian thanh toán, có thể ngân hàng, ví điện tử và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác.

tt-thanh-lam-06042023.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm: công tác truyền thông cũng rất quan trọng để cảnh báo cho người dân trước tiên tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và trẻ em.

Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh công tác truyền thông trong lĩnh vực này cũng rất quan trọng để cảnh báo cho người dân trước tiên tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và trẻ em.

Theo Luật Bảo vệ trẻ em, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT là cơ quan thực hiện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Hiện trẻ em đang được tiếp cận với Internet quá dễ dàng. Internet có cả tích cực và tiêu cực. Bảo vệ trẻ em trước nhất là cần sự vào cuộc của các bậc cha mẹ, các gia đình.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh hiện nay các quy định pháp luật, quy trình thủ tục đã có đầy đủ để thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh mạng, bao gồm chặn những ứng dụng vi phạm pháp luật. Đồng thời, cơ quan nhà nước sẽ có biện pháp mạnh như thanh, kiểm tra để xử lý các sai phạm.

Quang minh (T/h)