Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng dẫn quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam
Ngày 04/7/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia:“Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng dẫn quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam”, mã số: ĐTĐL.XH-06/21.

Toàn cảnh Phiên họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia.
Đến năm 2024, Việt Nam đã có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) được UNESCO công nhận. Dù đã hơn 2 thập kỷ kể từ khi khu DTSQTG đầu tiên được công nhận năm 2000, đến nay khung chính sách và pháp lý quốc gia vẫn chưa có các quy định cụ thể để hướng dẫn và hỗ trợ toàn diện cho công tác quản lý các khu DTSQTG. Việc giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý hay hướng dẫn lập kế hoạch quản lý giai đoạn cũng chưa có quy định cụ thể. Thực tế này đã hạn chế việc ghi nhận và rút kinh nghiệm hoặc phát huy các nỗ lực bảo tồn cũng như lồng ghép kịp thời mục tiêu của khu DTSQTG vào các chiến lược, kế hoạch phát triển chung của địa phương.
Từ thực tế trên và hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu quả quản lý và phát huy các đóng góp của các khu DTSQTG tại Việt Nam vào công cuộc phát triển bền vững đất nước, Bộ KH&CN đã phê duyệt đề tài "Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng dẫn quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam" (mã số: ĐTĐL.XH-06/21) do GS.TSKH Trương Quang Học làm chủ nhiệm đề tài; Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái là đơn vị chủ trì thực hiện. Đề tài thực hiện từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2025, với mục tiêu chính là:
Xây dựng được cơ sở lý luận, thực tiễn về quản lý các khu DTSQTG tại Việt Nam;
Đề xuất được khung hướng dẫn quản lý các khu DTSQTG thế giới tại Việt Nam;
Đề xuất được mô hình quản lý cụ thể cho một số khu DTSQTG tại Việt Nam.
Các kết quả đạt được của nhiệm vụ:
Báo cáo về cơ sở lý luận, thực tiễn về quản lý khu DTSQTG được UNESCO công nhận: kinh nghiệm quốc tế và bài học thực tiễn ở Việt Nam;
Báo cáo đề xuất bộ tiêu chí và nguyên tắc quản lý các khu DTSQTG tại Việt Nam;
Đề xuất khung hướng dẫn quản lý chung cho các khu DTSQTG tại Việt Nam;
Đề xuất khung, mô hình tổ chức quản lý cụ thể cho một số khu DTSQTG tại Việt Nam (2 khu), đại diện các loại hình tổ chức khác nhau hoặc các loại hình sinh thái khác nhau;
Đề xuất mô hình lý thuyết sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị cho cộng đồng ở vùng đệm Khu DTSQTG miền Tây Nghệ An.
Xây dựng được 03 bộ tài liệu về: (i) Chính sách, hiện trạng quản lý, bài học kinh nghiệm trên thế giới và Việt Nam; (ii) Quản lý chung và cụ thể cho khu Dự trữ sinh quyển Việt Nam; (iii) Tập tài liệu về truyền thông, biến đổi khí hậu và suy thoái đa dạng sinh học ở các khu DTSQTG.
01 công bố quốc tế trên tạp chí Discover Sustainability, Springer Nature;
02 công bố trên tạp chí khoa học trong nước;
01 báo cáo tại hội nghị khoa học trong nước;
Đào tạo 01 Thạc sĩ; hỗ trợ đào tạo 01 Tiến sĩ.
Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học và thực tiễn để hỗ trợ xây dựng chính sách như khung hướng dẫn quản lý, kế hoạch quản lý chiến lược cho các khu DTSQTG được UNESCO công nhận tại Việt Nam. Các kết quả này, đặc biệt các kiến nghị của đề tài là những căn cứ để Nhà nước và các khu DTSQTG có thể đưa ra những chiến lược và kế hoạch quản lý phù hợp, sát với thực tiễn bối cảnh hiện nay.
Các sản phẩm nghiên cứu của đề tài cũng sẽ góp phần thúc đẩy việc tích hợp, lồng ghép các mục tiêu quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các tài nguyên đa dạng sinh học, văn hoá của khu DTSQTG vào các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của các địa phương trong giai đoạn mới.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm và Cơ quan chủ trì; phần báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt có cấu trúc hợp lý, phù hợp với yêu cầu của một báo cáo khoa học; về chủng loại, số lượng, khối lượng, tiến độ và chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu đặt hàng. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài mức "Đạt". Đồng thời, yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các nội dung góp ý và chỉnh sửa cho phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ KH&CN ra quyết định công nhận kết quả của nhiệm vụ.