Bộ Thông tin và Truyền thông họp báo thường kỳ tháng 5/2024
Ngày 13/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Người phát ngôn của Bộ TT&TT, chủ trì Họp báo.
Dự buổi Họp báo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ; Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an và các phóng viên của hơn 50 cơ quan thông tấn, báo chí.
Toàn cảnh họp báo thường kỳ tháng 5/2024 của Bộ TT&TT.
Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ cấp tên định danh cho các đầu mối ngành Công an để ngăn chặn triệt để tin nhắn, cuộc gọi rác và lừa đảo
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, để ngăn chặn triệt để tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, hiện Bộ TT&TT đang hỗ trợ và phối hợp với Bộ Công an triển khai cấp tên định danh cho các đầu mối thuộc ngành Công an để ngăn chặn triệt để các tin nhắn, cuộc gọi rác và lừa đảo… Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã triển khai đồng bộ các phương án, giải pháp về chính sách, hành chính, kỹ thuật… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, cuộc gọi giả mạo từ các số thuê bao điện thoại cố định. Một trong những giải pháp là triển khai là cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số hotline (đường dây nóng) được sử dụng để liên lạc trực tiếp với nhân dân của các cơ quan nhà nước như Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát…
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện các vi phạm, Thanh tra Bộ sẽ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm, đồng thời Bộ TT&TT sẽ xem xét đưa ra văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có hình thức kỷ luật.
Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cấp tên định danh cho các số hotline chăm sóc khách hàng của mình; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cố định phối hợp thực hiện các biện pháp ngăn chặn các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ các số điện thoại cố định.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý cũng như chỉ đạo các nhà mạng áp dụng các công nghệ kỹ thuật, nhằm hạn chế tối đa việc phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ số thuê bao cố định.
Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an phát biểu tại buổi họp báo.
Tháng 7 này sẽ ra mắt phần mềm giúp người dân nhận diện tội phạm
Trước tình hình lan rộng lừa đảo trên không gian mạng, tại buổi họp báo, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cho biết, dự kiến trong tháng 7 sẽ ra mắt phần mềm giúp người dân nhận diện tội phạm lừa đảo, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn, an ninh mạng cho người dân. Bên cạnh đó, Cục đã xây dựng trang fanpage có tên là "Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao". Thông qua Fanpage này, Cục sẽ tuyên truyền cho người dân về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo.
Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo.
Liên quan đến vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, để làm sạch thông tin, dữ liệu, đồng thời đảm bảo công tác cảnh báo, xử lý về lừa đảo trực tuyến được thực hiện nhanh nhất, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và Bộ TT&TT.
Ngoài ra, nâng cao tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo, nhận biết về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các tổ chức tín dụng là việc làm cần thiết để cảnh báo giúp người dân phòng, chống được các hình thức lừa đảo trực tuyến đang ngày càng tinh vi.
Về tài sản ảo, Cục Phòng chống rửa tiền cho biết ở Việt Nam, đứng từ góc độ rủi ro rửa tiền, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với rất nhiều Bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ TT&TT tiến hành đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền.
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT phát biểu tại buổi họp báo.
Băng tần 700 MHz sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp cải thiện chất lượng phủ sóng
Tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Lê Văn Tuấn cho biết, hiện nay, các nhà mạng chủ yếu sử dụng các băng tần 1800 MHz, 2100 MHz cho 4G. Đây là các băng tần thiên về nâng cao tốc độ truy cập.
Các doanh nghiệp có thể sử dụng băng tần thấp được cấp như băng tần 900 MHz để sử dụng cho 4G. Tuy nhiên, do chiến lược đầu tư hạ tầng của mỗi doanh nghiệp khác nhau, nên có doanh nghiệp sử dụng một phần băng tần này cho 4G, có doanh nghiệp dùng hoàn toàn cho công nghệ khác. Do đó, việc có thêm băng tần thấp như băng tần 700 MHz sẽ giúp một số doanh nghiệp vừa cải thiện chất lượng phủ sóng, đặc biệt là phủ sóng trong nhà, vừa giúp tăng thêm tốc độ truy cập 4G.
Cục Tần số Vô tuyến điện đang nghiên cứu, đánh giá nhu cầu sử dụng tần số 700 MHz để tham mưu, trình Bộ về việc đấu giá, cấp phép sử dụng băng tần 700 MHz cho doanh nghiệp triển khai 4G/5G trong thời gian sớm nhất.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phát biểu tại buổi họp báo.
Sẽ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Đó là phát biểu của Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do tại buổi họp báo. Dự thảo Nghị định có bổ sung, cập nhật nhiều quy định mới để xử lý cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Đó cũng là căn cứ xử lý người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn, thậm chí là vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Liên quan đến hiện tượng "đu trend" tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan, Cục trưởng Lê Quang Tự Do khẳng định, đây là kết quả của việc cắt ghép những phát ngôn của bà Trương Mỹ Lan tại phiên toà xét xử. Tuy nhiên đây vẫn là hành vi thông tin sai sự thật, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã chặn gỡ một số clip từ những người nổi tiếng có lượng like và follow cao.
Cục trưởng Lê Quang Tự Do cũng khuyến cáo người dân không nên đưa thông tin sai sự thật hay cắt ghép nội dung phát biểu của người khác tại phiên toà dù là mục đích hài hước nhưng vẫn là thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật./.
Những kết quả nổi bật của ngành TT&TT trong tháng 4/2024: Doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.365.758 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32,7% so với kế hoạch năm (4.171.172 tỷ đồng). Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 32.461 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng). Đặc biệt trong những ngày đầu tháng 5/2024, Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định: Nghị định số 47/2024/NĐ-CP ngày 09/5/2024 quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia. Nghị định số 48/2024/NĐ-CP ngày 09/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 quy định về hoạt động thông tin cơ sở. Nghị định này là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được đảm bảo và bình đẳng, không phân biệt đối xử trong quyền tiếp cận thông tin. |
Theo https://mic.gov.vn