Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý các nền tảng xã hội để xảy ra tin giả, tin sai sự thật

13:25, 12/11/2024

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, vấn đề quản lý mạng xã hội chống tin giả, tin sai sự thật không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Bàn về một số giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế.

Sáng 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực y tế và nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (TTTT).

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Duy Thanh  - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết với vai trò quản lý nhà nước, Bộ trưởng sẽ có phương án như nào để quản lý mạng xã hội?

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau về vấn đề quản lý mạng xã hội chống tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Bàn về một số giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam.

Trước đây, chúng ta cho rằng đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước, nhưng thật ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng xã hội.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, họ phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc. Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong không gian mới là không gian số trong khoảng 10 năm trở lại đây. Vì vậy, vấn đề truyền thông để mọi người có kĩ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng cho không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên) là rất cần thiết.

Hiện Bộ TTTT đang tập trung vào 3 nhóm, trong đó khi người dân bị ảnh hưởng bởi thông tin sai, tin xấu độc thì có nơi để họ phản ánh, có nơi đề nghị giúp đỡ. Do đó, Bộ TTTT đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm chống tin giả quốc gia và các địa phương cũng thành lập các Trung tâm như vậy. 

Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông xác định một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế với hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là do trách nhiệm của một số bộ, ngành vì chưa bổ sung trách nhiệm quản lý nội dung quảng cáo lĩnh vực chuyên ngành trên không gian mạng.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng thông tin cụ thể những bộ, ngành này là những bộ, ngành nào và trách nhiệm của Bộ trưởng, của Chính phủ để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên trong thời gian tới?

Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Bộ trưởng nêu rõ không gian mạng không khác gì không gian thực, nếu không gian thực có bộ, ngành, địa phương, thì không gian mạng cũng có bộ, ngành, địa phương… “Chỉ khi nào việc của nhà nào, nhà đó thực hiện, ai làm gì trong thế giới thực, thì lên đó thực hiện công tác quản lý ở không gian mạng, thì không gian mạng mới lành mạnh được”. Bộ trưởng nhấn mạnh cần tăng cường nhận thức này, gần đây đã chuyển biến đáng kể.